Thu về hơn 12.500 tỷ đồng
Trong tuần qua, MobiFone đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3.800 - 3.900 MHz (khối băng tần C3). Mức trúng đấu giá là hơn 2.580 tỷ đồng. Đây là khối băng tần thứ 3 được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đấu giá thành công từ tháng 3/2024.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500 - 2.600 MHz (khối băng tần B1) dành cho 4G và 5G; băng tần 3.700 - 3.900 MHz dành cho 5G, được chia làm 2 khối: khối C2 (3.700 - 3.800 MHz), khối C3 (3.800 - 3.900 MHz).
Băng tần B1 được tổ chức đấu giá thành công vào ngày 8/3/2024. Tập đoàn Viettel trúng đấu giá với số tiền hơn 7.533 tỷ đồng. Khối băng tần C2 được tổ chức đấu giá thành công vào ngày 19/3, với giá hơn 2.581 tỷ đồng thuộc về Tập đoàn VNPT. Như vậy, 3 khối băng tần đấu giá đã mang lại cho ngân sách nhà nước hơn 12.500 tỷ đồng.
Hơn thế nữa, việc đấu giá thành công có ý nghĩa lớn hơn là nâng dung lượng băng tần của Việt Nam, đồng thời mở rộng cơ hội kinh doanh, tạo tiền đề để doanh nghiệp viễn thông Việt Nam mở rộng sản xuất - kinh doanh, nắm bắt cơ hội kinh doanh từ công nghệ mới.
Trước khi tổ chức đấu giá 3 khối băng tần này, tổng số băng tần IMT đã cấp cho doanh nghiệp là 340 MHz, đứng thứ 9/10 nước Đông Nam Á. Qua 3 đợt đấu giá thành công nâng tổng lượng băng tần đã cấp lên 640 MHz, đứng thứ 4/10 nước Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, năm 2024 là năm thương mại hóa 5G. Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, 5G phải có băng thông siêu rộng, phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước so với các ứng dụng, dịch vụ. Hiện nay, công nghệ 5G đã phát triển chín muồi, các thiết bị đã trở nên phổ biến và giá thành hạ so với 2-3 năm trước. Các nhà mạng tại Việt Nam đã sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G.
Việc hoàn thành đấu giá băng tần số trung bình để triển khai thương mại hóa 5G mang một ý nghĩa to lớn, thúc đẩy sự chuyển dịch, phát triển hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiếp tục nghiên cứu quy hoạch và đấu giá băng tần mới
Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), băng tần 700 (698 - 806) MHz khi sử dụng cho di động đáp ứng vùng phủ sóng rộng lớn hơn băng tần cao hiện nay, nên sẽ rất có lợi khi phủ sóng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tiếp đà thành công của việc đấu giá 3 khối băng tần nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu quy hoạch sử dụng, đấu giá cho các khối băng tần dưới 1.000 MHz. Theo đó, băng tần băng tần 700 MHz trước đây chủ yếu được sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất. Đến nay, khối băng tần này đã thu hồi sau khi hoàn thành Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Còn khối băng tần 800 MHz và 900 MHz phần lớn được cấp phép hoàn toàn và đang được sử dụng phần lớn cho hệ thống 2G và 3G. Đến tháng 9/2024, băng tần này sẽ không được tái cấp phép và thu hồi lại.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, băng tần dưới 1.000 MHz có giá trị sử dụng cao đối với thông tin di động do có khả năng truyền sóng tốt, mang lại hiệu quả đầu tư cao. Các băng tần này có thể được sử dụng để cung cấp vùng phủ rộng tại khu vực nông thôn, ngoại ô và có khả năng phủ sóng sâu trong nhà tại các khu vực đô thị lớn, có mật độ cao về dân cư và công trình xây dựng.
Cục Viễn thông và các doanh nghiệp cho biết, tính đến tháng 1/2024, cả nước có khoảng 123 triệu thuê bao di động, trong đó thuê bao 4G chiếm đa số với 88 triệu (71,5%), 2G là 18,3 triệu (15%), 3G là 3,8 triệu (3%), 5G là 6 triệu (5%). Đến năm 2030, 4G vẫn là công nghệ chủ đạo với thuê bao chiếm đa số, chiếm hơn 50% tổng số thuê bao di động.
Tương tự, theo dự báo của Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA) và Ericsson về tăng trưởng số thuê bao, kết nối di động trên toàn thế giới đến năm 2025, thì 4G vẫn là công nghệ chủ đạo với số lượng thuê bao 4G chiếm đa số (55%), đến năm 2028 vẫn còn chiếm đa số (50%), sau đó sẽ giảm dần khi 5G bắt đầu chiếm lĩnh. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến năm 2030, số lượng kết nối di động 4G vẫn chiếm 55% tổng số kết nối di động.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng tần số 700 MHz để tham mưu, trình Bộ về chủ trương đấu giá, cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz cho doanh nghiệp triển khai 4G/5G trong thời gian tới, dự kiến sớm nhất là trong năm 2024.
Về lý thuyết, để hiệu quả, 4G-5G cần cả 2 loại băng tần, gồm băng tần dùng nâng cao tốc độ truy nhập (băng tần cao) và băng tần nâng cao chất lượng vùng phủ sóng (băng tần thấp). Hiện nay, các nhà mạng chủ yếu sử dụng các băng tần 1.800 MHz, 2.100 MHz cho 4G. Đây là các băng tần thiên về nâng cao tốc độ truy cập.
Nhà mạng có thể sử dụng băng tần thấp được cấp như băng tần 900 MHz để sử dụng cho 4G. Thực tế, do chiến lược đầu tư hạ tầng của doanh nghiệp khác nhau, nên có doanh nghiệp sử dụng một phần băng tần này cho 4G, có doanh nghiệp dùng hoàn toàn cho công nghệ khác. Sau khi đấu giá thành công 3 khối băng tần cao như đã nêu trên, việc có thêm băng tần thấp như băng tần 700 MHz giúp một số doanh nghiệp vừa cải thiện chất lượng phủ sóng, đặc biệt là phủ sóng trong nhà, vừa giúp tăng thêm tốc độ truy cập của 4G.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, việc quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội. Theo đó, doanh nghiệp có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để tiến hành đấu giá và cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân khi dịch vụ thông tin di động 4G/5G được phát triển, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi.
Liên quan khối băng tần 850 - 900 MHz, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần 824 - 839 MHz (850 MHz) và 869-884 MHz (900 MHz) cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam. Quy hoạch băng tần này đang được lấy ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân.