Đấu giá doanh nghiệp, công ty chứng khoán ngầm cạnh tranh với Sở

(ĐTCK) Khối công ty chứng khoán (CTCK) đã tung ra chiêu bán vốn có khả năng “chống ế” tốt hơn, nhằm cạnh tranh với các Sở GDCK trong lôi kéo doanh nghiệp tổ chức các đợt bán đấu giá qua CTCK.

Kỳ 2: CTCK ngầm cạnh tranh với Sở GDCK

Tổ chức đấu giá qua CTCK, DN dễ bán cổ phần cho cổ đông nội bộ hơn

“Phức tạp” đấu giá qua Sở GDCK

Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định 2 phương thức bán đấu giá cổ phần: một là đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian, nếu khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá dưới 10 tỷ đồng; hai là đấu giá tại Sở GDCK, nếu khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên.

Theo phản ánh của các DN, thủ tục bán đấu giá phần vốn nhà nước có giá trị trên 10 tỷ đồng hiện khá phức tạp. DN phải thuê CTCK làm đơn vị tư vấn xây dựng bộ hồ sơ chào bán, tương tự như thủ tục phát hành ra công chúng, để gửi Vụ Quản lý phát hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xem xét chấp thuận. Sau khi được phép chào bán, các thủ tục bán đấu giá sẽ được thực hiện qua Sở GDCK.

Qua thực tế tư vấn bán cổ phần cho DNNN, tổng giám đốc một CTCK cho biết, vì một số nguyên nhân như: chất lượng hàng hóa không cao, bán qua Sở GDCK mang tính đại chúng nên khó thu hút được NĐT tham gia mua cổ phần trong bối cảnh “bội cung” bán đấu giá vốn nhà nước như hiện nay. Điều này khiến nhiều công ty mẹ là các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khi muốn triển khai cổ phần hóa nhanh, do việc bán phần vốn nhà nước tại các công ty con thất bại. Trong khi đó, sức ép từ bộ chủ quản, cũng như các đơn vị liên quan không cho phép cổ phần hóa chậm trễ, nên DN tìm đến CTCK để tìm cách gỡ tắc.

CTCK “tung chiêu” cạnh tranh

Sau khi DN bán cổ phần qua Sở GDCK thất bại, do không có NĐT đăng ký mua, về nguyên tắc, DN phải tiếp tục tìm cách bán cổ phần. Tuy nhiên, nếu vẫn bán qua Sở GDCK, thì nhiều khả năng lại thất bại. Nắm được lo ngại này của DN, cũng như tâm lý e ngại khi bán cổ phần qua Sở GDCK vừa mất thời gian, vừa phải trải qua các thủ tục chặt chẽ, trong khi bộ chủ quản thúc triển khai nhanh cổ phần hóa, nên các CTCK đã tung chiêu cạnh tranh với Sở GDCK. Cụ thể, để thu hút DN bán đấu giá cổ phần qua CTCK, các CTCK tư vấn cho DN xé nhỏ tổng lượng cổ phần cần chào bán thành các gói có giá trị dưới 10 tỷ đồng, thỏa mãn quy định của pháp luật là được chào bán qua CTCK.

Chia sẻ nguyên nhân một số DN thất bại khi bán đấu giá cổ phần qua Sở GDCK, nhưng lại thành công khi bán qua CTCK, một CTCK tiết lộ, là do lượng cổ phần chào bán ít, được bán tập trung, chứ không bị loãng như bán qua Sở GDCK. Hơn nữa, mức phí tư vấn, tổ chức bán đấu giá mà DN phải trả không phải chia sẻ giữa Sở GDCK và CTCK, mà chỉ phải trả cho một đầu mối là CTCK, nên vừa giúp giảm thiểu chi phí cho DN, vừa tăng lượng phí cho CTCK. Với lợi ích này, CTCK nhiệt tình phối hợp với DN trong tìm kiếm khách hàng tham gia đợt bán đấu giá. Điều này có ý nghĩa quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định việc thành hay bại của một cuộc bán đấu giá trong bối cảnh lượng cổ phần chào bán “bội cung” như hiện tại.

Ngoài ra, tổ chức đấu giá qua CTCK, DN dễ bán cổ phần cho các cổ đông trong nội bộ hơn. Lãnh đạo một CTCK không giấu được sự ngạc nhiên, khi gần đây, Công ty tư vấn, tổ chức bán cổ phần thành công cho một DN xi măng với giá bằng mệnh giá. Đây là điều gần như không tưởng, bởi mức giá này cao gấp 2 - 3 lần so với các DN cùng ngành đang niêm yết, trong khi DN đó kém xa so với các DN niêm yết về hiệu quả kinh doanh, sức khỏe tài chính, tiềm năng phát triển...

“Nếu không bán nội bộ, thì có mơ cũng không bán được cổ phần tại DN xi măng này”, vị lãnh đạo CTCK trên nói.

Liên quan đến việc bán cổ phần nội bộ, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, trong 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính mà các DNNN, trong đó chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn thành công đến thời điểm này, có tới 3.894 tỷ đồng là bán trong nội bộ, chỉ một lượng vốn rất ít còn lại là 267 tỷ đồng được bán ra bên ngoài.

Kỳ cuối: Bất cập phí bán đấu giá, sửa hướng nào?

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục