Đau đầu với sơn giả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ là cơn đau đầu bệnh lý và tình trạng nhiễm độc theo nghĩa đen khi người sử dụng hít phải mùi sơn giả, đó còn là nỗi đau của các doanh nghiệp sơn tên tuổi khi “biết bị nhái mà đành thúc thủ”.
Ảnh: Shutterstock Ảnh: Shutterstock

Sát thủ sặc sỡ

TS. Nguyễn Thanh Hải, người sáng lập Công ty cổ phần Hóa dầu công nghệ cao HI-PEC vốn là một chuyên gia trong lĩnh vực sơn sinh thái, đồng thời có những thông tin “sốc” về di hại của sơn kém chất lượng đối với sức khỏe người sử dụng. Ông Hải dẫn nghiên cứu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, sơn không đạt chất lượng được sơn phết trên các công trình là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư với hai thành phần rất độc hại là hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) và formaldehyde.

Đặc biệt, formaldehyde là chất hóa học không màu, không mùi được sử dụng trong các loại keo, nhựa, nguyên liệu sản suất sơn và TS. Nguyễn Thanh Hải dẫn kết quả nghiên cứu trên 40 bệnh nhân nhỏ tuổi của bà Zhou Chenyan, Phó trưởng khoa nhi, Bệnh viện Tứ Xuyên, Trung Quốc cho thấy có tới 90% bệnh nhân chịu ảnh hưởng từ chất formaldehyde trong hoạt động sửa sang, tân trang nhà cửa.

“Khi công trình sử dụng các loại sơn không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là sơn nội thất sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe người sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tật và tác động xấu đến môi trường”, ông Hải nói và bày tỏ lo ngại rằng, thực tế, rất ít người tiêu dùng Việt Nam biết và quan tâm đến điều này. Đôi lúc họ chỉ thấy khó chịu, thậm chí buồn nôn khi bước vào một căn nhà vừa mới sơn xong và lý giải là do mùi sơn mới, mà không biết đấy là do các chất độc tố trong sơn gây nên. Cho đến thời gian gần đây, “vấn đề an toàn chất lượng sơn công trình mới được quan tâm, nhưng cũng còn rất mơ hồ”, ông Hải phân tích.

Khi công trình sử dụng các loại sơn không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là sơn nội thất sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe người sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tật và tác động xấu đến môi trường.

TS. Nguyễn Thanh Hải

Đúng như lo ngại của vị chuyên gia này, sự mù mờ về chất lượng sơn là phổ biến trong xã hội. Với các công trình xây dựng dân dụng cá nhân, thông thường, chủ nhà chỉ chọn màu sắc và chọn giá, còn chất lượng, chủng loại sơn sẽ được khoán cho nhà thầu là các tốp thợ vườn đi lên từ kinh nghiệm. Còn với các công trình lớn, dù hầu hết chủ đầu tư đều “không tiếc” để sử dụng các loại sơn tốt, nhưng ở nhiều dự án, trình trạng sơn phồng rộp, thấm nước, bay màu và đặc biệt là mùi hắc khó chịu kéo dài sau khi người mua nhận nhà vào ở, nguyên nhân, theo nhiều người trong nghề là đã “dính phải sơn nhái”.

Theo các hợp đồng mua bán bất động sản phổ biến hiện nay, các cam kết về chủng loại sơn tường phổ biến là điều khoản “sử dụng sơn A, B, C hoặc tương đương” áp dụng đối với mặt tường bên trong căn hộ. Tuy nhiên, thế nào là “tương đương” thì không có điều khoản nào giải thích và thường các chủ đầu tư sẽ khoán cho các nhà thầu, thậm chí đến công đoạn sơn là đã đến tay nhà thầu B nhiều phẩy, nên việc sử dụng một chủng loại sơn “na ná” cam kết là rất dễ xảy ra.

Theo tiết lộ của một nhà thầu chuyên hoàn thiện công trình, vấn nạn trên thị trường sơn là tình trạng chạy đua chiết khấu, có những loại sơn chào nhà thầu này mức chiết khấu lên tới 55 - 60% và theo anh, “với mức này thì hầu hết đều là sơn nhái nhãn mác từ các cơ sở sản xuất thủ công trà trộn vào”

Có mặt tại một dự án chung cư mini ở khu vực Khâm Thiên, Hà Nội trong vai người mua nhà khi dự án này đang trong công đoạn sơn bả, phóng viên và đại diện một doanh nghiệp sơn đi cùng cảm nhận rõ mùi hắc khó chịu đến buồn nôn. Dù đã được chỉ dẫn phân biệt màu sắc, mùi sơn thật, sơn nhái, nhưng thực tình, chúng tôi cùng chỉ có thể coi đó là mùi hắc của lớp sơn mới, còn người trong nghề như vị đại diện doanh nghiệp lại khẳng định, “100% đây là sơn cỏ”. Theo anh, ngoài mùi sơn hắc đến chảy nước mắt thì độ nhớt khi lớp sơn mới quét trên tường là “chứng nhân” tố cáo chất lượng sơn không ổn.

Mặc dù vậy, anh bảo, “độ đậm đặc của mỗi hãng sơn lại có sự khác nhau nên nếu không già nghề chắc chắn sẽ khó phát hiện”. Đó là với những người có chuyên môn, còn có lẽ hầu hết người tiêu dùng, nhất là những người dùng thụ động chỉ còn cách chờ vài tháng để xem mùi có nhạt, màu có bay và phồng rộp hay không!

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Khó biết thật - giả

Câu hỏi đặt ra là khi một lượng lớn sơn xây dựng kém chất lượng được ví như những “độc chất được pha màu” đang được tuồn ra thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và đe dọa cả hoạt động kinh doanh của các hãng sơn nghiêm túc, tại sao các đơn vị này không có các chiến dịch cập nhật thông tin và cách thức phân biệt thật - giả cho cộng đồng? Ngược lại, trao đổi về vấn đề này, đại diện một số hãng sơn còn tỏ ra ngần ngại vì đây là vấn đề khá tế nhị, cho rằng trong khi cơ chế quản lý thị trường chưa chặt thì nói ra điều này rất có thể sẽ khiến doanh số sụt giảm khi người tiêu dùng “xé vé đồng hạng cả thật lẫn giả”.

Đại diện hãng sơn Jotun cho rằng, sẽ rất khó cho người tiêu dùng nếu nhìn bề ngoài để nhận diện, vì nhiều loại sơn giả có mẫu mã bề ngoài rất giống các loại thương hiệu sơn lớn. Do đó, để chắc chắn, khi đi mua sơn, người tiêu dùng nên yêu cầu kiểm tra các hồ sơ liên quan của nhà phân phối. Chẳng hạn, nếu là nhà phân phối của sơn Jotun thì phải có phiếu xuất kho và các giấy tờ liên quan. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có thể liên hệ trực tiếp đến trang tin tổng của hãng sơn đó để lấy địa chỉ các nhà phân phối một cách chính xác.

Trong khi đó, dù tư vấn người tiêu dùng kiểm tra mã vạch để rõ thông tin sản phẩm, nhưng đại diện hãng sơn Rotoo cũng thừa nhận rằng cách này vẫn chưa an toàn, vì các đối tượng làm giả thường rất tinh vi, có thể nhái cả mã vạch sản phẩm. Do đó, “người tiêu dùng nên lựa chọn những nhà phân phối minh bạch, cung cấp đầy đủ các giấy tờ xuất xứ hàng hóa cũng như chất lượng từng loại sơn hay vào trang điện tử của công ty để được hướng dẫn nhằm tránh việc bỏ tiền thật, mua hàng giả”, vị này nói.

Trên thị trường hiện nay, cũng có một số doanh nghiệp cung cấp sơn sinh thái - loại sơn không gây mùi khó chịu, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Theo TS. Nguyễn Thanh Hải, đây là loại sơn khá an toàn, lại phù hợp với khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với gu người tiêu dùng chưa quen loại sản phẩm này thì việc đánh giá, kiểm định thế nào là sơn xanh, sơn sinh thái đạt tiêu chuẩn còn nhiều vấn đề bàn cãi.

Thực tế, theo đại diện một số hãng sơn như Jotun, 4Oranges, Spec, Nippon…, họ cũng sản xuất loại sơn xanh này nhưng chỉ chiếm khoảng 3 - 5% tổng số sản phẩm đưa ra thị trường để cung cấp cho phân khúc khách hàng cao cấp do giá cả còn khá cao so với mặt bằng chung.

Tùng Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục