Vật vã điều chỉnh
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa có Tờ trình số 258/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc dừng thực hiện Dự án Xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu) theo hình thức PPP và chuyển sang đầu tư công.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất tại tờ trình trên là việc UBND tỉnh Sơn La - đơn vị đang đóng vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền - kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho chủ trương dừng thực hiện Dự án theo hình thức PPP theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 và tách tuyến cao tốc dài 85 km này thành 3 dự án độc lập để triển khai theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Cụ thể, Dự án số 1 (từ Km0 đến Km19) sẽ được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, do tỉnh Hòa Bình thực hiện. Dự án số 2 (từ Km19 đến Km53) đầu tư bằng vốn ODA và nguồn vốn hợp pháp khác do tỉnh Hòa Bình thực hiện. Dự án số 3 (từ Km53+00 đến cuối tuyến) sẽ thực hiện bằng vốn đầu tư công do tỉnh Sơn La đảm nhận.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 6 tháng qua, UBND tỉnh Sơn La có tờ trình xin điều chỉnh Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Về cơ bản, nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Sơn La là không có nhiều khác biệt, ngoài việc làm rõ thêm lý do phải chuyển đổi hình thức đầu tư cũng như khả năng cân đối vốn ngân sách. Điều này cho thấy, việc chuyển đổi hình thức PPP là lối thoát khả dĩ duy nhất cho dự án này.
Cần phải nói thêm rằng, theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Dự án có chiều dài 85 km, giai đoạn I xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, rộng 17 m, tổng mức đầu tư 22.294 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng hỗn hợp BOT và BT, trong đó vốn nhà đầu tư BOT là 17.294 tỷ đồng; phần vốn 5.000 tỷ đồng còn lại được Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất tại Hòa Bình và Sơn La.
Điều đáng nói là, vào tháng 12/2020, tức là chỉ khoảng 7 tháng sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Sơn La đã phải có Tờ trình số 259/TTr-UBND xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Tại Tờ trình số 259, UBND tỉnh Sơn La xin điều chỉnh loại hợp đồng Dự án từ hợp đồng hỗn hợp (kết hợp BOT và BT) sang loại hợp đồng BOT có sự tham gia vốn góp của Nhà nước, đồng thời tách công trình thành 3 tiểu dự án.
Theo đó, đoạn 1 (Km1 - Km19) có tổng mức đầu tư 3.059 tỷ đồng sẽ do UBND tỉnh Hòa Bình đầu tư bằng vốn nhà nước; đoạn tuyến 2 (Km19 - Km53) có chi phí 14.355 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư thu xếp 11.627 tỷ đồng, nhà nước tham gia 2.728 tỷ đồng; đoạn tuyến 3 (Km53 đến cuối tuyến) sẽ đầu tư bằng vốn nhà nước do UBND tỉnh Sơn La thực hiện, với chi phí 3.307 tỷ đồng.
Ẩn số vốn
Theo các chuyên gia, Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu rơi vào thế bế tắc, một phần do đơn vị đề xuất ngay từ đầu đã chọn phương án khó nhất để đầu tư.
Tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian chạy xe từ Hà Nội đi huyện Mộc Châu xuống còn 2 giờ, phá thế độc đạo của Quốc lộ 6, góp phần phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (tỉnh Sơn La) và khu du lịch lòng hồ tỉnh Hòa Bình.
Cụ thể, tại thời điểm Dự án được phê duyệt, loại hợp đồng hỗn hợp (kết hợp BOT và BT) gần như chưa được thực hiện tại Việt Nam. Do đó, các cơ quan nhà nước (kể cả cấp trung ương và cấp tỉnh), nhà đầu tư đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là việc chuyển đổi quyền sử dụng 5.000 ha đất thành kinh phí góp vào dự án.
Khó khăn tiếp tục ập đến khi, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP, trong đó quy định dừng thực hiện Dự án áp dụng loại hợp đồng BT, khiến việc điều chỉnh Dự án là điều bắt buộc.
Bên cạnh đó, dù vốn ngân sách trung ương và địa phương tham gia Dự án lên tới 9.950 tỷ đồng/21.577 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh, nhưng theo tính toán, nhà đầu tư vẫn sẽ mất khoảng 83 năm thu phí hoàn vốn do đoạn tuyến được chọn đầu tư PPP có địa hình phức tạp, khiến suất đầu tư tăng lên rất cao so với bình quân cả nước, trong khi lưu lượng xe ở mức thấp.
“Đây là phương án tài chính thiếu tính khả thi tới mức không một ngân hàng nào dám bỏ vốn cho vay”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ đánh giá.
Tại Tờ trình số 258/TTr-UBND, UBND tỉnh Sơn La cho biết là đã tổ chức làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT về phương án triển khai thực hiện Dự án.
Tại các buổi làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã xác định việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT là khó khăn, do khả năng huy động vốn của nhà đầu tư rất lớn, phương án thu phí và khả năng thu phí tính khả thi không cao, nên thống nhất với đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.
Hiện ẩn số lớn nhất đối với việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án là đến giữa tháng 11/2021, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình về việc sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho đoạn tuyến số 2 trị giá tới 9.777 tỷ đồng. Bản thân ADB cũng mới chỉ có công thư bày tỏ sự quan tâm về nguyên tắc đối với việc đầu tư dự án này.
Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn nước ngoài) giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua trị giá 270.000 tỷ đồng, đã phân bổ khoảng 180.000 tỷ đồng. Trường hợp thực hiện phân bổ cho 5 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam từ cấp phát sang cho vay lại và bố trí vốn cho các chương trình, dự án đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục thì số vốn còn lại chỉ khoảng 4.215 tỷ đồng.
“Từ ngày 1/1/2021 đến tháng 9/2021, Bộ Tài chính đã nhận được 38 đề xuất dự án ODA mới không nằm trong danh mục được phân bổ vốn với nhu cầu giải ngân lên tới 24.000 tỷ đồng, gấp 6 lần số vốn nước ngoài còn lại. Vì vậy, UBND tỉnh Sơn La và Hòa Bình cần làm rõ nguồn, khả năng bố trí từ ngân sách trung ương cho Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu”, đại diện Bộ Tài chính thông tin.