Dấu ấn về giao thông vận tải vùng ĐBSCL sẽ rất đậm nét

0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã tập trung nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Nhật Bắc) Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Nhật Bắc)

Trình bày về kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2025-2030 tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã nghiên cứu để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giúp cho ĐBSCL phát triển một cách tốt nhất.

“Chúng tôi nhận thấy giao thông vận tải của ĐBSCL hiện nay đang là điểm nghẽn rất lớn, mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đạt được yêu cầu”, Bộ trưởng Thể nói.

Nêu một số điểm đột phá trong quy hoạch liên quan đến lĩnh vực giao thông vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về đường thủy đã đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đến với TP. Cần Thơ và một số cảng hiện nay, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của ĐBSCL, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động khu vực này.

Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ GTVT đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay, bao gồm nghiên cứu thêm đường băng với sân bay Phú Quốc; hai sân bay Cà Mau và Rạch Giá cũng đang trong kế hoạch nâng cấp để đảm bảo tàu bay A320 có thể đỗ được ở đây.

Về đường bộ, Bộ trưởng Thể đánh giá, đây là lĩnh vực hết sức cần thiết và cần kết nối cảng biển với trung tâm thành phố Cần Thơ. Do đó, trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã tập trung cho ĐBSCL rất lớn. “Đến thời điểm này, có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này”, Bộ trưởng cho hay.

Theo người đứng đầu ngành giao thông, cả vùng ĐBSCL hiện mới có 90 km đường cao tốc và chúng ta đang triển khai 30 km nữa. Trong nhiệm kỳ này sẽ bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP.HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau, hay tuyến cao tốc quan trọng An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá. Nếu chúng ta đạt kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này, ĐBSCL sẽ có khoảng 500 km đường cao tốc.

“Chúng tôi xác định cao tốc phải kết nối với phát triển kinh tế, do đó điểm cuối của hệ thống cao tốc này kết nối với cảng Trần Đề. Từ Cảng Trần Đề, tàu 100.000 tấn chỉ cách TP. Cần Thơ 60 km. Với hệ thống đường cao tốc cùng cảng Trần Đề, sân bay quốc tế Cần Thơ, chúng tôi tin chắc sau nhiệm kỳ này, khu vực ĐBSCL sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đặc biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể đến đây, hình thành các khu công nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin tưởng.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ GTVT cũng cho biết cơ quan này đang nghiên cứu để báo cáo Chính phủ và báo cáo Quốc hội chủ trương xây dựng đường sắt kết nối TP.HCM với Cần Thơ.

“Tóm lại, trong nhiệm kỳ này, có thể nói dấu ấn về GTVT sẽ rất đậm nét. Sau nhiệm kỳ này, chắc chắn ĐBSCL sẽ có tiềm năng và thế mạnh để phát triển đột phá”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư quan tâm đến ĐBSCL, bởi với hệ thống giao thông hoàn thiện, khép kín nói trên, chắc chắn sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế. “Trong một vài năm tới, ĐBSCL sẽ là một trong những khu vực tăng trưởng lớn của đất nước”, ông Thể nói.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục