Các tỉnh ĐBSCL quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Để tri ân và đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã tổ chức họp mặt, chúc mừng và tri ân các doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp quan trọng cho địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ (bìa trái) chúc mừng Doanh nghiệp tại buổi Họp mặt đầu năm Nhâm Dần 2022 của Tỉnh Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ (bìa trái) chúc mừng Doanh nghiệp tại buổi Họp mặt đầu năm Nhâm Dần 2022 của Tỉnh

Tại Long An, lãnh đạo tỉnh đã long trọng tổ chức Họp mặt, tri ân đại diện 150 doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được cho biết, năm 2021 tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, bản lĩnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các lực lượng tuyến đầu đã tạo nên sức mạnh to lớn để Long An giành thế chủ động, từng bước kiểm soát tốt dịch Covid-19 và trở thành địa phương đầu tiên trong vùng “tâm dịch” phía Nam thực hiện “mở cửa” nền kinh tế.

Kết thúc năm 2021, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 1,02%. Đặc biệt, Long An trở thành điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thu hút đầu tư và vươn lên đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 13.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 349.000 tỷ đồng, trong đó có 1.127 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 9,4 tỷ USD.

Tại Hậu Giang, phát biểu trước gần 100 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tại buổi Họp mặt tri ân doanh nghiệp đầu năm 2022, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Năm 2021, trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, Hậu Giang cơ bản thực hiện đạt mục tiêu kép. Kinh tế tăng trưởng 3,08%, cao hơn mức trung bình cả nước.

Trong đó, khu vực I tăng cao nhất từ trước tới nay, đạt 4,04%. Công tác phòng, chống dịch thực hiện có hiệu quả, Hậu Giang cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Các doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội và phòng chống dịch Covid-19 bên cạnh nỗ lực duy trì sản xuất. Dù trong điều kiện khó khăn đó, năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 39 dự án đầu tư trong nước, tăng 10 dự án so với cùng kỳ; đứng thứ 39/63 tỉnh thành về chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2020. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 28 cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2019…

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, buổi gặp mặt đầu năm thể hiện tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh cũng như toàn hệ thống chính trị. Tỉnh ủy đã ban hành đồng bộ các thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng Nghị quyết, chương trình hành động với cam kết luôn đồng hành chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang. Khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. Với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, Hậu Giang sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp. Mong rằng các doanh nghiệp trong tỉnh xem nhau là đối tác, đoàn kết, tương trợ trong thời gian khó khăn, tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà lớn mạnh.

Tại buổi Họp mặt Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ thông tin đến doanh nghiệp về tình hình thực tiễn, lợi thế, tiềm năng và định hướng phát triển tỉnh, với mục tiêu trong nhiệm kỳ này Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030; tốc độ tăng GRDP bình quân từ 8,5-9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2025 đạt 87 triệu đồng.

Để thực hiện đạt các mục tiêu, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI thành 18 văn bản trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số…; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện có kết quả. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá và 11 công trình, dự án trọng điểm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, trọng tâm từ 2021- 2025, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông; thực thi chính sách thúc đẩy phát triển về hướng Đông; xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Đình Khao nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Vĩnh Long, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi đa mục tiêu; triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển; kết nối, thúc đẩy doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính, công nghệ về đầu tư trên địa bàn tỉnh, xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bến Tre.

Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại; ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính và trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh, xây dựng và vận hành hiệu quả chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các nguồn lực cho công tác giáo dục, y tế, du lịch; tiếp tục duy trì, mở rộng mối quan hệ giữa các sở, ngành, doanh nghiệp của hai địa phương; đưa các hoạt động liên kết, hợp tác trong giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

Ban giám đốc Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ (bìa phải) trình bày với lãnh đạo TP. CầnThơ về kế hoạch mở rộng đầu tư trong năm 2022

Ban giám đốc Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ (bìa phải) trình bày với lãnh đạo TP. CầnThơ về kế hoạch mở rộng đầu tư trong năm 2022

Tại TP. Cần Thơ, đến thăm doanh nghiệp sản xuất giày xuất khẩu trên địa bàn thành phố nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh khẳng định: doanh nghiệp chính là động lực, là năng lượng cho sự phát triển của TP. Cần Thơ.

Trong một năm hết sức khó khăn như năm qua, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã nỗ lực vượt khó để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, trong đó có những doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt nhịp đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động trong trạng thái "bình thường mới".

Bước sang năm mới, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kết nối đầu tư, kinh doanh. Ðồng thời mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh đã đề ra để cùng góp phần tích cực vào quá trình phát triển của thành phố…

Với việc Nghị quyết cho TP. Cần Thơ được hưởng Cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, hiện TP. Cần Thơ đang tiển khai đẩy nhanh tiến độ Lập Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: xây dựng chiến lược tổng thể nhằm định hướng được tầm nhìn cho thành phố về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường bền vững; tinh chỉnh các phương án tiếp cận, áp dụng các ngành ưu tiên phù hợp nhất cho thành phố phát triển; so sánh với các thành phố, vùng trên thế giới, từ đó đưa ra phương hướng, tầm nhìn phù hợp nhất cho thành phố; phác thảo các kịch bản phù hợp nhất phát triển Cần Thơ. Chiến lược năm 2030 cho Cần Thơ là trở thành “trái tim” của vùng ÐBSCL: phát triển trở thành trung tâm kinh doanh nông nghiệp, trung tâm sản xuất và dịch vụ giá trị cao, mục tiêu trở thành thành phố đáng sống ở Việt Nam vào năm 2050.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục