Cao su tự nhiên: Vượt kế hoạch lợi nhuận
Tính đến ngày 30/10/2017, hầu hết các doanh nghiệp cao su tự nhiên đang niêm yết đều đã công bố báo cáo tài chính quý III/2017, với những kết quả khả quan.
Cụ thể, trong quý III, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) tăng lần lượt 30,2% và 73,1% so với cùng kỳ năm 2016. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 105,2% kế hoạch năm. Bên cạnh sản lượng tiêu thụ tăng trưởng, đơn giá bán bình quân 9 tháng đạt 41,44 triệu đồng/tấn, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2016 là yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận của PHR tăng trưởng.
Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR), Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) và Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (TNC) cũng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2017.
Tại DPR, giá bán tăng giúp biên lợi nhuận gộp đạt 34,26% trong 9 tháng đầu năm 2017 so với mức 22,5% cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 249,3 tỷ đồng, gấp 2,36 lần cùng kỳ năm 2016 và vượt 30,3% kế hoạch năm. Đối với TRC và TNC, 2 doanh nghiệp này lần lượt thực hiện vượt 4% và 8% kế hoạch lợi nhuận năm 2017 sau 9 tháng.
Các doanh nghiệp cao su tự nhiên được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV, nhất là khi các doanh nghiệp lĩnh vực này thường đạt được sản lượng cao nhất vào giai đoạn cuối năm. Năm ngoái, tại PHR, DPR, TNC, TRC, riêng doanh thu quý IV góp trên 35% cả năm, lớn nhất là HRC (46%), sau đó là TRC (43%).
Ngành thép: POM, SMC về đích; HPG, TLH, NKG hoàn thành 90% kế hoạch năm
Sau năm 2016 thành công nhờ diễn biến tích cực của thị trường xây dựng, bất động sản, giá thép trong nước tăng cao theo xu hướng thế giới, các doanh nghiệp ngành thép chịu áp lực lớn trong việc duy trì đà tăng trưởng kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2017.
Tuy nhiên, trước thông tin Trung Quốc giảm mạnh công suất sản xuất và nước này sẽ hủy bỏ 1/3 giấy phép đã cấp đối với mỏ khai thác quặng sắt, chủ yếu là các mỏ khai thác nhỏ trong chiến dịch chống ô nhiễm môi trường, trong khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng, giá thép trên thị trường thế giới liên tục tăng trong quý III/2017, kéo theo đà tăng của giá thép trong nước.
Báo cáo phân tích Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) của Công ty Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã thống kê, giá thép đã tăng 41% trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2017.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, tổng lượng thép tiêu thụ trong nước đạt gần 12,922 triệu tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng đạt 6,722 triệu tấn, tăng 15,9%; ống thép đạt 1,611 triệu tấn, tăng 18,9%; tôn mạ đạt 2,58 triệu tấn, tăng 26,6%…
Với thị trường xuất khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, lượng thép xuất khẩu 9 tháng đạt 3,3 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 51,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, rào cản thuế quan khiến sắt thép nhập khẩu giảm mạnh, giúp giảm áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp thép nội địa.
Sản lượng và giá thép tăng cao giúp lợi nhuận quý III/2017 của nhiều doanh nghiệp trong ngành tăng mạnh, nhất là các đơn vị có lượng hàng tồn kho lớn từ những quý trước đó.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt doanh thu 12.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.140 tỷ đồng trong quý III/2017, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm, HPG đạt doanh thu hơn 33.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.600 tỷ đồng, tăng 43% về doanh thu và 21% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) đạt 249,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2017, mức lãi cao nhất trong một quý kể từ quý II/2011 đến nay, với biên lợi nhuận gộp đạt 10,64% so với 3,8% cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 514,3 tỷ đồng, gấp 4 cùng kỳ năm 2016. Trước đó, trong quý II/2017, lợi nhuận sau thuế của POM giảm 26% so với quý II/2016.
Nhiều doanh nghiệp khác như NKG, VIS, VGS, SMC… cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2017. Với việc hoàn thành 93% kế hoạch lợi nhuận năm 2017 sau 9 tháng, cùng thị phần, sản lượng tiêu thụ tăng trưởng, báo cáo phân tích của không ít nhận định, HPG sẽ sớm hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm, đặc biệt là nhờ giá trị tồn kho lớn, giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ việc giá thị trường tăng cao. Đây cũng là dự báo chung với NKG, TLH, VGS, khi đều đã hoàn thành trên dưới 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm, trong khi SMC, POM đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2017 sau 9 tháng.
Chứng khoán, ngân hàng cán đích lợi nhuận
Kết thúc quý III/2017, hàng loạt công ty chứng khoán đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm như SHS (vượt 148%), BSI (vượt 107%), VND (vượt 40,5%), TVS (vượt 50,9%), HCM (vượt 1,9%), VDS (hoàn thành mục tiêu cả năm).
Thị trường chứng khoán tăng điểm và thanh khoản ở mức cao là yếu tố quan trọng giúp khối công ty chứng khoán đạt kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng. Triển vọng khả quan của thị trường dự báo sẽ giúp nhiều công ty tiếp tục đạt lợi nhuận cao.
Đối với ngành ngân hàng, đạt mức tăng trưởng lợi nhuận so với kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao cao nhất trong 9 tháng hiện là Sacombank (STB), với lợi nhuận trước thuế đạt 1.025 tỷ đồng, vượt 75,2% kế hoạch năm. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2017 của STB là 5,95%, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, nhưng giảm đáng kể so với mức 6,91% thời điểm đầu năm và 6,36% cuối tháng 6/2017.
Với Vietcombank (VCB), cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất nhóm ngân hàng niêm yết và chiếm 5,61% vốn hóa VN-Index tính đến ngày 27/10/2017, báo cáo quý III/2017 cho thấy bức tranh kinh doanh tích cực khi hầu hết các hoạt động kinh doanh đều mang lại kết quả tốt hơn cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc quý III/2017, VCB đạt 2.679 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30,8% so với quý III năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 7.934 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.379 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu thời điểm cuối tháng 9/2017 giảm 10,8% so với cuối năm 2016.
Trong quý IV/2017, VCB sẽ tổ chức đấu giá số cổ phần sở hữu tại SaigonBank và Công ty cổ phần Tài chính Xi măng. Hoạt động này cùng với triển vọng tăng trưởng tín dụng, kế hoạch lợi nhuận năm 2017 của VCB dự kiến sẽ sớm hoàn thành.
Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cũng là bức tranh chung của nhiều ngân hàng khác trong quý III và 9 tháng đầu năm. Tại LienVietPostBank, lợi nhuận trước thuế quý III đạt hơn 523 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2016; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.433 tỷ đồng, vượt mức thực hiện năm 2016 và hoàn thành 95,6% kế hoạch năm 2017. Tại VPBank (VPB), lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 78% kế hoạch năm.
Ngân hàng ACB, MBB, SHB được các công ty chứng khoán dự báo sẽ đạt lợi nhuận khả quan trong quý III và IV/2017, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định, nợ xấu được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh.
Nhóm ngân hàng có 5 mã cổ phiếu thuộc danh sách 15 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, cụ thể là VCB, CTG, BID, VPB, MBB, chiếm 16,98% giá trị vốn hóa sàn HOSE (tính đến hết ngày 27/10). Theo đó, thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng hỗ trợ VN-Index trong những tháng cuối năm.
Kỳ II: Hàng trăm doanh nghiệp khó cán đích 2017