Đất nông nghiệp 50 năm không cần làm thủ tục gia hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Luật Đất đai năm 2024, đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích. Khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp (50 năm), cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn mà không phải làm thủ tục gia hạn…
Đất nông nghiệp 50 năm không cần làm thủ tục gia hạn

Tại Tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, người gắn bó với tiến trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024 cho biết, các chính sách về đất nông nghiệp trong Luật đất đai tập trung ở hai khía cạnh: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cập nhật các điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024 liên quan tới đất nông nghiệp, ông Hiếu cho biết, đáng chú ý là khái niệm “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” không còn bao gồm “hộ kinh doanh” như Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời thay đổi về khái niệm cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp.

“Trước đây chỉ có 1 khái niệm được định nghĩa trong Luật Đất đai, sử dụng là đối tượng cho mọi chính sách và không phù hợp, ví dụ cá nhân sản xuất trồng lúa khác với cá nhân có đất được hỗ trợ bồi thường”, ông Hiếu cho biết.

Thay đổi của Luật Đất đai 2024 so với 2013 về quy định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Thay đổi của Luật Đất đai 2024 so với 2013 về quy định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh đó, liên quan đến quyền của người sử dụng đất, riêng với đất nông nghiệp, người sử dụng đất có thêm một quyền chuyển đổi sử dụng đất. Đây là yếu tố mở rộng hơn, cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp để thuận lợi hơn cho sản xuất - kinh doanh. Luật cũng cho phép người sử dụng đất chuyển đổi quyền sử dụng đất với các cá nhân khác trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh mà không phải nộp thuế thu nhập và lệ phí trước bạ.

Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương; đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Cùng với việc luật hóa hai khái niệm “tích tụ” và “tập trung” đất nông nghiệp, Luật khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn.

Cũng theo Luật Đất đai năm 2024, đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích. Theo đó, người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp (50 năm), cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn mà không phải làm thủ tục gia hạn….

Theo Luật Đất đai năm 2024, đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích

Theo Luật Đất đai năm 2024, đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích

Nhận định về những thay đổi này, Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: “Những chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún, không hiệu quả”.

Bà Phương chia sẻ, bà rất tâm huyết với quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khi họ có vốn, có khả năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Điều này khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, các quy định về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai năm 2024 tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận đất đai, qua đó mang đến hai tác động tích cực.

“Trong Luật Đất đai năm 2024, tôi đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh. Thứ nhất là các yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai cho các tổ chức, cá nhân. Hiện nay, chúng ta cho phép các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thứ hai là mở ra các vấn đề là tăng giới hạn, hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ tập trung đất đai và chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, trong chính sách pháp luật đất đai đã giải quyết được hai vấn đề: Một là nguồn lực bên ngoài, tức là khả năng kêu gọi đầu tư vào trong lĩnh vực đất đai thông qua việc cho phép các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện dự án. Điều này giúp chúng ta có thể gia tăng khả năng gọi vốn, “bơm vốn” vào lĩnh vực đất đai. Hai là chúng ta giải quyết được vấn đề nội tại, tức là bản thân người nông dân cũng có thể kích cầu, tăng năng lực lên thông qua tích tụ tập trung đất đai để khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất”, ông Tuyến cho biết.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu. Ảnh: Khánh Duy
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

“Lâu nay chúng ta nói đất nông nghiệp kém hấp dẫn, Luật Đất đai năm 2024 sẽ nâng tính hấp dẫn và giá trị của đất nông nghiệp. Đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ làm tăng năng suất lao động, xây dựng được nền nông nghiệp xanh và sạch. Khi hiệu quả sử dụng đất đai tốt hơn, nông dân sẽ phấn khởi, sẽ thấy đất nông nghiệp ngày càng quý giá và gắn bó hơn”, ông Tuyến cho biết thêm.

Chia sẻ thêm ví dụ, ông Tuyến cho biết, với việc sửa đổi Luật Đất đai, chúng ta cũng đang tạo ra một mô hình, một sự chuyển đổi hoặc kết hợp để làm bất động sản du lịch nông nghiệp. Đây là một hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục