Đặt mục tiêu lợi nhuận cao, ngân hàng có quá lạc quan?

(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông bắt đầu và những ngân hàng tổ chức đại hội sớm nhất đang hé lộ những kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2017.
LienVietPostBank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2017 ở mức 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng trên 10% so với năm 2016

Đồng loạt đặt kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh

Cuối tuần qua, LienVietPostBank vừa “mở màn” cho mùa đại hội cổ đông thường niên 2017 của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Tại Đại hội, cổ đông LienVietPostBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2017, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng, tăng trên 10% so với mức thực hiện trong năm 2016 (1.348 tỷ đồng); tỷ lệ cổ tức được nâng lên 12%. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng lên kế hoạch tăng vốn từ 6.460 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành 54 triệu cổ phiếu.

Ngày 10/4 tới, VPBank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông. Theo tài liệu phục vụ đại hội, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng tới 38% so với năm 2016; tổng tài sản đạt mức 280.645 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 200.591 tỷ đồng.

Với mục tiêu tổng dư nợ này, để đảm bảo hệ số CAR theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tối thiểu ở mức 9%, tổng vốn tự có của VPBank phải đạt mức tối thiểu 18.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện tại của VPBank là 10.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 15.400 tỷ đồng, như vậy, trong năm 2017, Ngân hàng phải bổ sung thêm 3.000 - 4.000 tỷ đồng vốn để đáp ứng nhu cầu hoạt động.

Tờ trình đại hội đồng cổ đông của Techcombank, dự kiến tổ chức vào 15/4 tới cũng cho thấy, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2017 tăng trưởng 26% so với năm 2016, ở mức 5.020 tỷ đồng. Trong năm nay, Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, từ 8.878 tỷ đồng vốn hiện tại lên 13.878 tỷ đồng; nâng tổng tài sản lên gần 280.000 tỷ đồng.

Hàng loạt ngân hàng khác cũng dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm qua. Chẳng hạn, ngày 21/4 tới, HDBank sẽ trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh 2017 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.643 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2016.

Trong khi đó, OCB dự kiến trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 780 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2016. Hội đồng quản trị Vietcombank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 9.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm qua.

Ngân hàng lạc quan vào triển vọng 2017

Con số lợi nhuận dự kiến của các ngân hàng cũng tương đồng với kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2017 đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành.

Theo đó, 89,5% tổ chức tín dụng cho biết, tình hình kinh doanh trong quý đầu năm có sự cải thiện nhẹ. Có tới 90,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016 với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng cao hơn nhiều so với cuộc điều tra được tiến hành vào tháng 12/2016 (kỳ vọng tăng 13,4%).

Tâm lý lạc quan của ngành ngân hàng có cơ sở, đó là tình hình kinh tế trong nước nói chung và hoạt động của ngành được dự báo đang có những diễn biến thuận lợi. Báo cáo tình hình kinh tế quý I và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tổng cầu của nền kinh tế sẽ có sự cải thiện tốt hơn trong thời gian tới, bởi sau chỉ đạo của Chính phủ, vốn đầu tư công vào các dự án trọng điểm cũng như việc giải ngân vốn vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới.

Về yếu tố bên ngoài, mặc dù Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch ngay trong năm 2017, nhưng với triển vọng kinh tế Mỹ và thế giới phục hồi tốt hơn, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng thương mại của các nước mới nổi và đang phát triển trong năm 2017 thêm 0,1 điểm phần trăm. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng thương mại của các nước mới nổi và đang phát triển sẽ tăng từ 1,8% của năm 2016 lên 4% của năm 2017. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cao hơn năm 2016.

“Mặt khác, tính toán chỉ số kinh tế của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia với 7 chỉ số thành phần cho thấy, chỉ số này đã có tháng thứ 3 tăng liên tiếp trên ngưỡng 100 điểm. Điều này báo hiệu tổng cầu của nền kinh tế vẫn trong giai đoạn phục hồi”, Báo cáo nhấn mạnh.

Tại cuộc hội thảo về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2017 mới đây do HSBC tổ chức, ông Kim Eng Tan, Giám đốc cấp cao Sovereign & International Public Finance Ratings nhận định, việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang được hưởng lợi trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực có sự bất ổn chính trị. Các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn, giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Chính sách điều hành tỷ giá tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo hướng linh hoạt, trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng; đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…

“Trong đó, theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông”, vị lãnh đạo trên nói.    

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục