Nguyên lý này từ trước đến nay vẫn được các cá nhân, các doanh nghiệp hiểu như vậy và vận dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày.
Đây là nhìn nhận chung của nhiều đại diện doanh nghiệp, nhiều đại biểu tham gia Tọa đàm Quyền tự do kinh doanh và các quy định liên quan được quy định trong Hiến pháp và pháp luật có liên quan.
Nhưng phản ánh của các đại diện doanh nghiệp cho thấy, dù nguyên lý lớn nhất được ghi nhận trong Hiến pháp 2013: “mọi người được kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm” nhưng thực tế quyền tự do kinh doanh vẫn bị hạn chế nhất định ở những văn bản dưới luật, thậm chỉ cả ở nhiều luật.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Pháp chế CTCP Chứng khoán Bảo Việt, quyền tự do kinh doanh dưới góc độ pháp lý là quyền của các thủ thể kinh doanh trong việc lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề để đầu tư vốn, tự do thành lập doanh nghiệp, tự do tổ chức bộ máy hoạt động, cách thức tổ chức, quản lý doanh nghiệp… nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh.
Nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều khiếm khuyết trong pháp luật doanh nghiệp ví dụ như trong Luật Doanh nghiệp, cách thức thực hiện đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý, không còn phù hợp với quyền tự do kinh doanh.
Chẳng hạn, đối với thị trường chứng khoán, chưa có quy định cụ thể và hợp lý về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, gây khó khăn cản trở việc huy động thêm vốn, mở rộng kinh doanh của các công ty cổ phần chưa niêm yết.
Việc sửa Luật Doanh nghiệp đang được tiến hành với hướng nâng cao quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp thể hiện ở trong các quy định về ngành nghề, điều kiện kinh doanh, người đại diện theo pháp luật, đăng ký thành lập, cơ cấu quản trị trong nội bộ doanh nghiệp.
Nhưng thực tiễn triển khai mới là nỗi lo của doanh nghiệp. Luật sư Trương Thanh Đức đặt vấn đề cùng với Hiến pháp 2013 và những luật đang được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp, liệu quyền tự do kinh doanh có sự thay đổi về chất như thế nào?
Cho đến nay, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư vẫn đặt ra những ràng buộc, điều kiện thì đó vẫn là sự hạn chế đối với quyền tự do kinh doanh. Ông Đức cho rằng cần làm rõ chỉ có luật mới được quy định về sự cấm đoán, hạn chế, điều kiện, còn nghị định, thông tư thì không thể.
Theo ông Đinh Xuân Thảo, thực tế, khi soạn thảo các thông tư, đúng là có chuyện cơ quan soạn thảo có lồng vào lợi ích ngành, để thuận lợi cho quản lý Nhà nước, đẩy khó khăn cho người phải thi hành.
Do đó cần hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ và đảm bảo thi hành luật một cách nghiêm minh.