Theo các chuyên gia trong ngành, đối việc phát triển hệ thống đại lý hiện nay, cần phải có những thay đổi để lực lượng này trở nên chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, quy định như trong dự thảo Nghị định hiện tại chưa đảm bảo được yếu tố này, thậm chí có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Điểm 5b, Điều 48 dự thảo Nghị định quy định: “đại lý bảo hiểm sẽ phải thực hiện thi lấy chứng chỉ mới khi chuyển từ doanh nghiệp bảo hiểm này sang doanh nghiệp bảo hiểm khác”. Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, quy định này có thể gây lãng phí tiền bạc và mất thời gian đào tạo của các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi đây thực tế là những đại lý vẫn đang hoạt động, kiến thức chưa bị mai một. Trước đó, quy định tương tự đã tồn tại, nhưng được bãi bỏ trong những năm gần đây.
Đối với quy định tại Điểm 5a, Điều 48 dự thảo Nghị định: “đại lý bảo hiểm sẽ phải thực hiện thi lấy chứng chỉ mới khi không hoạt động đại lý bảo hiểm trong thời hạn 2 năm”, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, đây là quy định cần thiết, vì sau 2 năm không hoạt động trong ngành, các kiến thức sẽ bị mai một, nếu đại lý bảo hiểm quay lại hành nghề thì bắt buộc phải thi lấy lại chứng chỉ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát được những đại lý không còn hoạt động trong ngành, nhưng vẫn chưa được xóa tên trong danh sách đại lý của các công ty bảo hiểm. Thực tế cho thấy, một số công ty đang duy trì tên của không ít đại lý bảo hiểm không còn hành nghề trong thời gian dài. Kiến thức của những đại lý này bị mai một, nhưng họ sẽ không bị yêu cầu phải thi lấy chứng chỉ khi quay lại hành nghề vì về mặt danh nghĩa, họ vẫn có tên trong nhóm hành nghề đại lý liên tục. Như vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng đại lý khó có thể đạt được. Sẽ hợp lý hơn nếu cơ quan chức năng quy định tất cả các đại lý bảo hiểm, dù có tên trong danh sách hành nghề, hay đã bị xóa tên, đều phải thực hiện thi định kỳ (2 hoặc 3 năm) để kiểm tra và nâng cao kiến thức.
“Tất nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm lớn có đông đại lý sẽ bị ảnh hưởng do chi phí đào tạo tăng lên đáng kể”, một chuyên gia trong ngành nhận định.
Cùng với những quy định về đào tạo lại, việc kiểm soát hoạt động của các đại lý bảo hiểm hiện nay cũng đang được doanh nghiệp bảo hiểm và cả khách hàng quan tâm. Chính vì vậy, dự thảo Nghị định quy định rõ những những việc đại lý bảo hiểm không được làm.
Khoản 4, Điều 48 dự thảo Nghị định quy định: “đại lý không được tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác; xúi giục khách hàng huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức…”.
Thực tế, tình trạng lôi kéo, “mua bán” đại lý, xúi giục khách hàng bỏ hợp đồng đã từng diễn ra căng thẳng ở thị trường bảo hiểm Việt Nam. Quy định nêu trên nhằm hạn chế các vi phạm, tạo lập thị trường bảo hiểm có sự cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quan ngại, nếu không có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, chẳng hạn cấm đại lý vi phạm hành nghề trong một thời gian nhất định, hoặc phạt tiền những doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra những hành vi đó, thì khó có thể ngăn chặn triệt để các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã thảo luận với các doanh nghiệp thành viên về việc thiết lập một hệ thống chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề này giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
Được biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm với rất nhiều quy định mới tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.