Đảo ngược quy trình
Những năm trước, việc tìm kiếm NĐT chiến lược trong quá trình CPH các DNNN theo quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn. Điều này xuất phát từ quy định, NĐT chiến lược được mua cổ phần theo giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân, nghĩa là việc tìm kiếm NĐT chiến lược được tiến hành sau IPO.
Quy định trên tạo độ “vênh” so với yêu cầu thực tiễn. Lý do là bởi đặc thù của NĐT chiến lược là gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, bỏ ra lượng vốn lớn đầu tư vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về mở rộng thị trường, cải thiện chất lượng quản trị, cũng như hiện đại hóa công nghệ... nên trên thực tế, NĐT thường muốn thương thảo với doanh nghiệp để đạt được mức giá hợp lý trước IPO.
Để khắc phục bất cập trên, Nghị định 59/2011, Nghị định 189/2013 sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính đã đưa ra các quy định mới nhằm gỡ nút thắt nêu trên. Theo đó, một quy trình ngược so với các quy định trước đây đã được đưa ra, khi cho phép doanh nghiệp được thương thảo bán cổ phần cho NĐT chiến lược trước hoặc song song với IPO. Cụ thể, giá bán cổ phần cho NĐT chiến lược được xác định theo nguyên tắc: đối với trường hợp thỏa thuận trực tiếp, hoặc đấu giá giữa các NĐT chiến lược có đủ tiêu chuẩn và đã thực hiện đăng ký mua trước khi thực hiện IPO là giá thỏa thuận giữa các bên (trường hợp thỏa thuận) hoặc là giá đấu thành công (đối với trường hợp đấu giá) nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án CPH phê duyệt.
Cải cách chính sách đó có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn CPH hàng loạt tập đoàn, tổng công ty hiện tại, do các đơn vị này có nhu cầu lớn trong thu hút NĐT chiến lược để đổi mới phương thức quản trị, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở thị trường trong và ngoài nước.
Rộng cửa cho bán sỉ
Nếu như IPO được coi là phương thức bán lẻ thì chào báo cho NĐT chiến lược được ví như hình thức bán sỉ, bởi đối tượng này thường mua cổ phần với số lượng lớn kèm theo các cam kết đầu tư sâu, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Diễn biến từ thị trường cho thấy, việc gỡ nút thắt về cơ chế đang rộng đường cho doanh nghiệp tìm NĐT chiến lược.
Là tập đoàn CPH đầu tiên trong năm nay, phương án IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước. Vinatex sẽ bán 120 triệu cổ phần, tương đương 24% vốn điều lệ cho NĐT chiến lược đồng thời với chào bán gần 122 triệu cổ phần qua IPO diễn ra vào ngày 22/9 tới. Theo Phó tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, Vinatex có tối đa 3 NĐT chiến lược, trong đó 1 NĐT trong lĩnh vực tài chính, 2 NĐT trong lĩnh vực sản xuất, phân phối.
Cũng có kế hoạch chào bán lượng cổ phần “khủng” cho NĐT chiến lược cùng thời điểm với IPO, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, là công ty mẹ -Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo phương án CPH Vietnam Airlines, quy mô vốn điều lệ sau CPH giai đoạn I là hơn 14.101 tỷ đồng, Nhà nước nắm 75% lượng cổ phần; 20% cổ phần sẽ được bán cho NĐT chiến lược, lớn hơn rất nhiều so với hơn 3,4% cổ phần được đưa ra IPO.
Nhìn vào phương án chào bán cổ phần cho NĐT chiến lược của Vinatex và Vietnam Airlines có thể thấy, tỷ lệ cổ phần chào bán cho đối tượng này là khá cao. Đây là điểm rất khác so với trước đây, khi cơ chế chào bán cổ phần cho NĐT chiến lược bị “bó”, khiến doanh nghiệp không tìm được NĐT chiến lược, hoặc chào bán cổ phần cho đối tượng này với tỷ lệ thấp. Cùng với cơ chế bán cổ phần cho đối tượng này cởi mở hơn, cũng như mức độ quan tâm đáng kể của giới đầu tư tới các phương án IPO của Vinatex và Vietnam Airlines, thị trường kỳ vọng đây sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên chào bán cổ phần thành công cho NĐT chiến lược với tỷ lệ lớn cùng thời điểm với IPO.