Đảo chiều dòng chảy ngoại tệ mua nhà tại nước ngoài

(ĐTCK) Từ câu chuyện hơn 3 tỷ USD chảy sang Mỹ mua nhà, có thể thấy, lẽ ra chính quyền còn phải quảng cáo, hỗ trợ để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư. Có được điều này, chúng ta sẽ có thuế, ngoại tệ, việc làm, thu hút du lịch và nhiều cái lợi khác.
Ông Trần Trọng Hiếu (ngoài cùng bên phải) trong chuyến sang Dubai với mục đích huy động vốn bị "tiếp thị ngược" Ông Trần Trọng Hiếu (ngoài cùng bên phải) trong chuyến sang Dubai với mục đích huy động vốn bị "tiếp thị ngược"

LTS: Theo thống kê, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản ở nước ngoài, chủ yếu là nhà tại Mỹ. 

Con số này đã được ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital dẫn chứng cho tình trạng “chảy máu” ngoại tệ và đặt câu hỏi về việc liệu có sự e ngại về môi trường đầu tư, kinh doanh thiếu ổn định tại Việt Nam? Dưới góc nhìn của một doanh nhân thường xuyên thực hiện việc kết nối đầu tư trong và ngoài nước, ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần IDJ Việt Nam đã có bài viết chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

Gần đây, báo chí xôn xao về thống kê của Mỹ cho biết, trong vòng 1 năm, có hơn 3 tỷ USD của người Việt mua nhà tại Mỹ. Điều này, dưới góc nhìn của tôi, không bất ngờ.

Đó có thể là quyết định xuất phát bởi nhu cầu của con người là dịch chuyển, đa dạng hóa kênh đầu tư và phục vụ việc học tập của con cái, cũng như lựa chọn nơi sống phù hợp với nguyện vọng và năng lực.

Cách đây một năm, tôi cùng một đoàn doanh nhân bất động sản sang Dubai với mục đích huy động vốn. Nhưng điều bất ngờ xảy ra là sang đấy bị họ thuyết phục huy động ngược trở lại. Trong các buổi hội thảo, thông điệp của họ đưa ra là: Thủ tục mua bất động sản ở Dubai nhanh gọn, thuận tiện và mở cửa cho công dân toàn cầu; giá bất động sản phù hợp, đa dạng và hấp dẫn; chỉ số tăng trưởng lợi nhuận đầu tư tại Dubai thuộc nhóm đứng đầu thế giới.

Theo tìm hiểu của tôi, gần như tất cả các quốc gia giàu có trên thế giới đều đang “giơ miếng mồi” đầu tư bất động sản để thu hút người giàu đến với họ. Từ Mỹ đến các nước châu Âu, họ đi quanh thế giới để kêu gọi nhà đầu tư. Thậm chí, chính quyền nhiều nước còn hỗ trợ đến mức: “Nếu bạn là người nước ngoài mua bất động sản ở nước tôi, chúng tôi sẽ cấp quốc tịch cho bạn”.

Trong khi đó, dường như Việt Nam đang bỏ phí kênh xuất khẩu tại chỗ này bởi những quan ngại khó hiểu. Thủ tục mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam, theo phản ánh của nhiều bạn bè tôi đang có dự án đầu tư, là rất rườm rà, khó khăn.

Họ cũng rất khó hiểu với quy định hạn chế tỷ lệ người nước ngoài được mua ở một dự án (tối đa 30%). Tương tự, quy định về việc khi không còn muốn nắm giữ ngôi nhà đó, người nước ngoài có thể chuyển tiền về cũng phức tạp không kém (cá nhân nước ngoài được quyền chuyển và mang tiền ra nước ngoài, nếu như khi bán nhà bằng Việt Nam đồng, thì họ được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền bán nhà phải đáp ứng điều kiện như chấm dứt hoạt động đầu tư tại Việt Nam, giải thể, giảm vốn…).

Vì nhiều thủ tục như vậy, nên tôi biết, khá nhiều người nước ngoài có nhu cầu thực sự cũng phải từ bỏ ý định, hoặc tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để thực thi được mục đích mua nhà tại Việt Nam (đa số là “đầu hàng”).

Từ câu chuyện hơn 3 tỷ USD chảy sang Mỹ mua nhà, có thể thấy, lẽ ra chính quyền còn phải quảng cáo, hỗ trợ để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư. Có được điều này, chúng ta sẽ có thuế, ngoại tệ, việc làm, thu hút du lịch và nhiều cái lợi khác.

Nhà nước cũng cần xem xét ban hành rõ ràng chính sách mua nhà ở nước ngoài (thậm chí có thể đánh thuế cao các khoản chuyển ra nước ngoài trên cơ sở cam kết trong các hiệp định thương mại tự do và các điều khoản của WTO).

Với biện pháp này, Nhà nước không những thu được thuế, mà còn còn có thể kiểm soát được dòng tiền ra, giống như Mỹ, họ biết rõ có 3 tỷ USD của người Việt mua bất động sản ở nước họ, nhờ chính sách rõ ràng và minh bạch.

Hiện nay, khi có nhu cầu mua nhà tại nước ngoài, người dân vẫn chuyển tiền theo đường phi chính thức, chấp nhận rủi ro, có thể mất trắng. Nhà nước vừa không thu được thuế, vừa không biết có bao nhiêu tiền chuyển ra nước ngoài.

Tôi tin rằng, nếu có chính sách thông thoáng, thị trường bất động sản cho người nước ngoài sẽ khởi sắc. Một ngành kinh doanh thuận lợi, nhiều ngành khác cũng được thuận lợi theo. Quy luật của thị trường có thể nhìn đơn giản là: “Đắt hàng tôi, mới trôi hàng bà”.

Trần Trọng Hiếu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục