Đanh thuế biệt thự bỏ hoang: Băn khoăn tính khả thi

(ĐTCK) Một số ý kiến tỏ ra băn khăn về tính khả thi của đề nghị đánh thuế biệt thự bỏ hoang của Hà Nội, khi mà hệ thống quản lý còn thiếu minh bạch.
Đanh thuế biệt thự bỏ hoang: Băn khoăn tính khả thi

Đanh thuế biệt thự bỏ hoang: Băn khoăn tính khả thi  ảnh 1Hiện có khoảng 35% biệt thự mới xây tại Hà Nội vẫn trong tình trạng bỏ hoang

Việc UBND TP. Hà Nội chính thức có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho phép áp dụng mức tính thuế lũy tiến đối với những biệt thự, liền kề bị bỏ hoang, gây lãng phí đất đai và mất mỹ quan đô thị, đang nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia và cả người dân Thủ đô. Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khăn về tính khả thi của biện pháp này, khi mà hệ thống quản lý những bất động sản đó còn thiếu minh bạch và tồn tại không ít bất cập.

35% biệt thự bỏ hoang

Theo kết quả kiểm tra sơ bộ tình trạng xây dựng, sử dụng của gần 2.700 căn biệt thự trên địa bàn Hà Nội do Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện, có 1.743 căn đã được sử dụng, chiếm khoảng 65%. Số còn lại chưa đưa vào sử dụng, vẫn còn ở tình trạng xây thô, bỏ hoang. Nhiều trường hợp dự án sau khi được phê duyệt 7 năm vẫn chưa hoàn thiện. Số biệt thự này được rải đều tại nhiều khu đô thị trên toàn Thành phố như: Cụm chung cư An Sinh, các khu đô thị mới Cổ Nhuế, Văn Quán, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Vân Canh, Bắc An Khánh, Bắc Quốc lộ 32…

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, chủ yếu là do cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở chưa hợp lý, nhiều dự án nhà thấp tầng, biệt thự chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nhà ở chung cư cao tầng có tỷ lệ thấp. Tại phần lớn dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ, thiếu các công trình thiết yếu như trường học, nhà trẻ, chợ hoặc không được kết nối với hạ tầng chung của đô thị, giao thông đi lại khó khăn.

Đặc biệt, hiện tượng đầu cơ, tích trữ tài sản còn phổ biến, nhưng thiếu sự kiểm tra hoặc không kiên quyết trong xử lý của các chủ đầu tư và cơ quan quản lý các cấp đối với các trường hợp chậm tiến độ; phương thức triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô.

Thực tế, tình trạng các dự án phát triển nhà ở chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện dẫn đến có nhiều dự án phát triển khu đô thị mới không hoàn thành đúng tiến độ, không hình thành đô thị hoàn chỉnh như quy hoạch, còn xảy ra tại nhiều địa phương khác, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.

 

Băn khăn giải pháp đánh thuế

Trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ông đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cần phải đánh thuế cao đối với các biệt thự, liền kề bỏ hoang tại Hà Nội và nhiều đô thị khác, bởi nó gây lãng phí lớn về đất đai. Tuy nhiên, ông Võ cũng thẳng thắn nhìn nhận, các cơ quan chức năng còn ngần ngại xử lý nhà đất bỏ hoang vì nhiều lý do, trong đó có lý do cơ bản là hệ thống quản lý những bất động sản đó thiếu minh bạch và tồn tại nhiều bất cập.

Theo ông Võ, chỉ có biện pháp đánh thuế cao thì mới “ép” được chủ nhân đưa nhà đất vào sử dụng, còn đôi khi mệnh lệnh hành chính trong trường hợp này là không thể giải quyết được.

Thực tế, trong năm 2011, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi các chủ đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn, yêu cầu hoàn thiện nhà bỏ hoang với những biệt thự, liền kề đã có chủ đến hết quý II/2011. Nếu chủ nhân không hoàn thiện sẽ phải bán lại cho chủ đầu tư theo giá bán tại thời điểm ký hợp đồng giữa hai bên.

“Tuy nhiên, tất cả các mệnh lệnh hành chính nói trên đều không cải thiện tình hình là bao. Cho đến thời điểm này mới chỉ có lác đác biệt thự bỏ hoang được chủ nhân đưa vào sử dụng”, ông Võ nói.

Đồng tình với chủ trương đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang và xem đây là liều thuốc trị tận gốc tình trạng biệt thự bỏ hoang tại các đô thị, nhưng ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại tỏ ra băn khăn, vì “hiện nay, tôi chưa thấy cơ sở pháp lý để đánh thuế nhà bỏ hoang”.

Ông Liêm cho rằng, nên áp dụng biện pháp xử phạt và phân loại biệt thự bỏ hoang vì nguyên nhân gì rồi mới xử phạt, thì mới chính xác và công bằng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến biệt thự bỏ hoang và tùy từng nguyên nhân mà có hình thức xử lý phù hợp. Trong nhiều nguyên nhân đáng để xử lý mạnh tay là trường hợp những nhà đầu cơ cố tình đổ tiền vào biệt thự, tạo khan hiếm giả, đẩy giá lên cao để nhắm tới siêu lợi nhuận.

Theo ông Liêm, việc xử phạt biệt thự bỏ hoang là có cơ sở, nếu cơ quan quản lý nhà nước đưa ra được định nghĩa rõ ràng biệt thự như thế nào được gọi là bỏ hoang.

UBND TP. Hà Nội đề xuất mức thuế áp dụng với biệt thự bỏ hoang 3 tháng là 5% giá trị hợp đồng, còn sau 1 năm mà biệt thự đó vẫn bị bỏ hoang thì sẽ tính thuế 10% tổng giá trị biệt thự. Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội còn đề xuất Bộ Tài chính xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, mức phạt là 10 - 20 triệu đồng/căn.

Minh Nhật
Minh Nhật

Tin cùng chuyên mục