Đánh giá vòng sơ khảo ARA 2013

(ĐTCK) Bước sang năm thứ 6 Cuộc bình chọn BCTN, các DN niêm yết trên hai Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội ngày càng nhận thức rõ về nghĩa vụ phải cung cấp BCTN, cũng như vai trò của BCTN đối với nhà đầu tư. Qua kết quả chấm tại vòng sơ khảo, Hội đồng bình chọn nhận thấy nội dung và hình thức BCTN năm 2013 có những điều đáng chú ý sau.
Đánh giá vòng sơ khảo ARA 2013

Những tiến bộ đạt được

* Nội dung các BCTN đã bám sát Thông tư 52/2012/TT-BTC và ngày càng được đầu tư kỹ lưỡng. Nhìn chung, chất lượng BCTN năm sau đều tốt hơn năm trước, cơ bản đem đến được cho nhà đầu tư những thông tin thiết yếu của DN. Nếu như năm 2012, các DN của cả 2 sàn đều không đạt điểm trung bình ở 2 khoản mục về lịch sử hoạt động và thông tin về các công ty có liên quan, thì năm nay, các DN đều có tiến bộ rõ rệt, tất cả các khoản mục đều đạt được số điểm tương đối. Điểm trung bình của vòng sơ khảo tăng so với năm ngoái. Cụ thể, nếu như năm 2012, các báo cáo có điểm trung bình là 62,22 thì năm nay, điểm trung bình là 64,3.

Đánh giá vòng sơ khảo ARA 2013 ảnh 1

Hội đồng bình chọn đã làm việc rất nghiêm túc, kỹ lưỡng để chọn ra các BCTN xứng đáng trao giải

* Do bám sát nội dung của Thông tư 52/2012/TT-BTC, các DN năm nay đều chú trọng và đi sâu vào phần quản trị công ty hơn so với các năm trước.

* Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng các DN vẫn chú trọng hình thức trình bày của BCTN, các báo cáo ngày càng chuyên nghiệp và đẹp mắt.

 

Những điểm cần khắc phục

Bên cạnh những tiến bộ nêu trên, các BCTN năm nay còn có một số hạn chế cần phải khắc phục như sau:

* Nội dung còn sơ sài: một số DN không phân tích mà chỉ bám sát câu chữ trong Thông tư 52/2012/TT-BTC. Bên cạnh đó, một số DN chỉ tập trung vào quảng cáo sản phẩm của công ty, dẫn đến thiếu nhiều thông tin quan trọng, cần thiết cho nhà đầu tư.

* Thông tin phân tích, so sánh còn thiếu: đa số các báo cáo đều được thực hiện theo hướng trình bày lại các số liệu tại các báo cáo tài chính kiểm toán mà thiếu các phân tích, bình luận về nguyên nhân, hệ quả và các giải pháp khắc phục. Các DN hầu như né tránh cung cấp thông tin so sánh DN mình với các DN cùng ngành hoặc với các đối thủ cạnh tranh, do đó, bức tranh tổng thể tương quan giữa bản thân DN và môi trường xung quanh chưa được thể hiện rõ nét và thông tin gửi đến nhà đầu tư còn hạn chế.

* Thông tin về rủi ro chưa đầy đủ: nếu như ở những năm đầu, hầu như các BCTN hoàn toàn không đề cập đến rủi ro và chính sách quản lý rủi ro của DN thì ở những năm gần đây, vấn đề này đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, các báo cáo vẫn chỉ dừng ở mức độ liệt kê rủi ro là chính, thậm chí liệt kê cả rủi ro không có liên quan đến hoạt động của công ty, trong khi lại  bỏ sót các rủi ro đặc thù của ngành nghề kinh doanh của mình. Nội dung nhiều báo cáo chưa có những phân tích, đánh giá sát thực với tình hình DN cũng như chưa trình bày được một chính sách quản lý rủi ro toàn diện, một chiến lược khả thi để đối phó với những bất ổn trong kinh doanh và quản trị DN.

* Thông tin về quản trị công ty còn sơ sài: đây là năm thứ 4, Báo cáo quản trị công ty là nội dung được yêu cầu công khai tại BCTN, nên phần lớn các báo cáo đều thể hiện nội dung này, tuy nhiên vẫn còn sơ sài. Đa số DN chỉ dừng lại ở việc liệt kê thành viên HĐQT, BKS, ban điều hành mà thiếu phần sơ yếu lý lịch của các đối tượng này. Việc đánh giá hoạt động của HĐQT và BKS hàng năm, cũng như việc công khai lương, thưởng của các thành viên chủ chốt trong công ty là quy định bắt buộc, tuy nhiên, các DN vẫn chưa thật sự quan tâm và thực hiện đánh giá một cách đầy đủ. Đa số DN chọn giải pháp an toàn là công khai tổng chi phí trả lương, thưởng mà tránh công bố chi tiết từng thành viên. Bên cạnh đó, việc theo dõi, thống kê và báo cáo lại các giao dịch trong năm của thành viên chủ chốt, người có liên quan và cổ đông lớn cũng không được thực hiện đầy đủ. Điều này cho thấy, DN chưa quan tâm đến khía cạnh này.

* Thông tin về định hướng, chiến lược phát triển còn chung chung: các DN chỉ đề ra mục tiêu, chiến lược phát triển trong một năm tiếp theo, rất ít DN thể hiện được hướng đi của DN trong giai đoạn 3 - 5 năm tiếp theo. Các kế hoạch đặt ra nặng về tính hình thức, trong khi thiếu đi những đánh giá thực hiện của giai đoạn trước để làm tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch tương lai.

* Thông tin về phát triển bền vững còn ít: đây là nội dung mới triển khai và là năm đầu tiên thí điểm thực hiện nên có tương đối ít DN quan tâm và đề cập đến nội dung này. Cụ thể, trong tổng số 601 báo cáo thì chỉ có 88 báo cáo có đề cập đến nội dung phát triển bền vững. Khi nhắc đến tính bền vững, hầu như các DN chỉ đề cập đến việc thông qua và thực hiện các nghĩa vụ đối với môi trường, các chính sách xã hội mà quên đi việc đề cập đến cơ cấu quản trị nhằm giảm thiểu các rủi ro, biến động, cũng như củng cố những tác động có lợi trong dài hạn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN mình.

Sở GDCK TP. HCM
Sở GDCK TP. HCM

Tin cùng chuyên mục