Đánh giá tác động cụ thể của TPP đối với một số nền kinh tế

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử thế giới, mở ra một khu vực hợp tác kinh tế chủ yếu là hạ hàng rào thuế quan và các dạng bảo hộ khác ở 12 nền kinh tế với tổng GDP khoảng 30.000 tỷ USD, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu.

Ngành thủy sản của Việt Nam sẽ được lợi từ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu một số mặt hàng Ngành thủy sản của Việt Nam sẽ được lợi từ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu một số mặt hàng

Các nhà kinh tế học dự báo, về lý thuyết, Mỹ sẽ được lợi nhiều do nền kinh tế lớn và mở cửa, nhưng những nước hưởng lợi nhiều nhất sau khi tham gia TPP chính là các nền kinh tế ở Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Singapore, nhờ việc mở rộng thị trường. Đối với những nước còn lại, giá trị kinh tế có thể suy giảm khi dòng chảy xuất khẩu tìm đến những kênh hiệu quả hơn.

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy, TPP mang lại sự gia tăng đáng kể GDP của một số nước Đông Nam Á, vào năm 2020, giúp Việt Nam tăng thêm 23%,   Malaysia 6,4% và Singapore là 2%… Dưới đây là tác động của TPP đối với một số nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình dương theo CSIS:

Việt Nam

Nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có thể là một trong những nước hưởng lợi nhiều  từ TPP. Hiệp định sẽ giúp Việt Nam cân bằng quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc nhiều vào một quốc gia/khu vực duy nhất. TPP tạo cơ hội cho ngành xuất khẩu hưởng các ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thể tiếp cận các thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản.

Công ty nghiên cứu Eurasia Group đánh giá TPP có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11%, xuất khẩu tăng thêm 28% trong thời gian từ nay đến năm 2025. Theo Eurasia Group, thuế nhập khẩu giảm xuống ở hai thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất hàng dệt may của Việt Nam. Với chi phí nhân công rẻ, Việt Nam đang thu hút được nhiều nhà máy dệt may chuyển từ Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu của Viện Peterson, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong khuôn khổ TPP. Chẳng hạn, TPP sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đến Hoa Kỳ ở mức thuế suất 0%, điều này sẽ làm cho năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Ngành thủy sản và đánh bắt hải sản của Việt Nam sẽ được lợi từ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu các mặt hàng tôm, mực và cá ngừ. Hiện nay, thuế đánh vào các mặt hàng này từ 6,4 - 7,2%. Việc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dược phẩm từ mức trung bình 2,5% hiện nay sẽ khiến cạnh tranh khốc liệt hơn giữa các công ty dược của Việt Nam và nước ngoài.

Malaysia

Các nhà xuất khẩu hàng điện tử, hóa phẩm, dầu cọ và cao su của Malaysia được hưởng lợi từ TPP. Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ nhì thế giới và một trong những nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới.

Singapore

Singapore có lẽ là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào tất cả các nước xung quanh. Trong khi Singapore đã có những hiệp định tự do thương mại (FTAs) với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Peru (tất cả các đối tác đàm phán TPP), thị trường ở đất nước này phụ thuộc vào thương mại hàng hải và an ninh hàng hải, đặc biệt là lao động xuyên biên giới, trao đổi hàng hóa dịch vụ với Malaysia, với các quốc gia cùng chung đường biên giới và giao dịch thương mại qua eo biển với Indonesia. Tham gia TPP, Singapore sẽ được hưởng nhiều lợi ích do đây là nền kinh tế duy nhất trong TPP chủ yếu dựa vào khu vực dịch vụ.

Nhật Bản

Các nhà sản xuất ôtô và phụ tùng ô tô của Nhật Bản có thể là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ TPP, bởi họ sẽ được tiếp cận thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, với mức giá sản phẩm mềm hơn.

Tuy nhiên, theo TPP, Nhật Bản buộc phải giảm một số hàng rào bảo hộ đối với nông dân trồng lúa gạo của nước này. Theo đó, Nhật sẽ phải đưa ra mức thuế bằng 0 đối với lượng gạo nhập khẩu tương đương 1% tổng tiêu thụ gạo trong nước. Chủ các trang trại nuôi gia súc của Nhật có thể chịu tác động mạnh hơn, bởi thuế quan đối với thịt bò nhập khẩu vào Nhật sẽ giảm xuống 9% trong vòng 16 năm, từ mức 38,5%.

Australia

Theo Thủ tướng Australia. Malcolm Turnbull, TPP sẽ giúp làm giảm 9 tỷ Dola Australia thuế quan mỗi năm đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này. Thêm vào đó, Australia sẽ giành quyền tiếp cận với thị trường đường của Mỹ. Nhật cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với đường và thịt bò của Australia. Hải sản và nông sản vườn của Australia sẽ được áp mức thuế nhập khẩu thấp hơn, trong khi hạn ngạch ưu đãi cũng được áp dụng đối với các sản phẩm hạt, ngũ cốc và gạo của nước này.

New Zealand

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand Tim Groser, thuế quan sẽ được giảm xuống đối với 93% hàng xuất khẩu của New Zealand sang các nước đối tác TPP, giúp tiết kiệm cho nước này khoảng 259 triệu Đôla New Zeland, tương đương 168 triệu USD. Ngành sữa, lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand, sẽ tiết kiệm được khoảng 102 triệu Đôla New Zealand tiền thuế quan mỗi năm. Một số hàng rào thuế quan đối với sản phẩm sữa của New Zealand vẫn duy trì những thị trường chủ chốt như Mỹ, Nhật, Canada và Mexico.

Ngoài ra, Canada chỉ chấp nhận nhập khẩu lượng sữa tương đương 3,3% lượng tiêu thụ trong nước trong vòng 5 năm tới. Thuế quan đối với thịt bò New Zealand sẽ được bãi bỏ, trừ trường hợp Nhật giảm thuế đánh vào thịt bò nhập khẩu xuống 9% từ 38,5%. Thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu khác của New Zealand gồm hoa quả, hải sản, rượu vang và thịt cừu cũng được bãi bỏ.

Mỹ

Thỏa thuận này giúp Mỹ tăng cường quan hệ thương mại trong khắp khu vực và thúc đẩy chiến lược xoay trục về phía châu Á của chính quyền Obama. TPP được coi như “xương sống kinh tế” trong chiến dịch xoay trục về châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Mỹ sẽ là nước giành được lợi nhiều nhất về giá trị tuyệt đối thêm cho nền kinh tế. Nhà Trắng ước tính, TPP sẽ loại bỏ 18.000 thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời mở ra cơ hội cho mọi đối tượng từ các nhà sản xuất tôm của Việt Nam cho tới chủ nông trại bò sữa của New Zealand cơ hội tiếp cận giá rẻ hơn với các thị trường ở khắp khu vực Thái Bình Dương.

Một số nghiên cứu cho thấy sẽ có sự chuyển dịch trong kinh tế Mỹ từ những ngành lao động nhân lực chất lượng thấp đến các công việc yêu cầu tay nghề cao. Nếu dự đoán này trở thành sự thật, quá trình sản xuất của Mỹ sẽ chuyển dần ra nước ngoài; bù lại, những công việc đòi hỏi kỹ năng cao, và mức lương cao, sẽ tập trung về Mỹ. Mức giảm khoảng 40 tỷ USD của sản lượng sản xuất chiếm chưa tới 1,4% những giá trị khác sẽ được tạo ra.

Trên phương diện kinh tế, TPP thay đổi gần như tất cả các quy định về kinh tế của thế kỷ 21, từ việc quản lý thông tin liên biên giới cho đến việc các tập đoàn nhà nước sẽ cạnh tranh với nhau thế nào trên phạm vi toàn cầu. TPP có thể mang đến những cải cách đáng kể về mặt tài chính và xã hội tới các quốc gia này, mở ra sân chơi cho các nhà đầu tư nước ngoài, cùng lúc đó cũng sẽ giới thiệu những chuẩn mực tiến bộ hơn về lao động và bảo vệ môi trường.

Linh Đức (Theo báo chí nước ngoài)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục