Đánh giá các doanh nghiệp được vinh danh Giải Quản trị công ty năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều điểm sáng trong phần nội dung quản trị công ty cho thấy, các doanh nghiệp đã phần nào nhận thức được tầm quan trọng và có sự quan tâm đúng mức hơn cho việc quản trị công ty.
Đánh giá các doanh nghiệp được vinh danh Giải Quản trị công ty năm 2021

Nhiều điểm sáng

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2021 đã ghi nhận một số điểm nổi trội ở nhóm các doanh nghiệp đạt giải. Cụ thể, hầu hết các công ty đều tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) trong 4 tháng đầu năm và trả cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp.

Trong năm 2020, các doanh nghiệp này đã triển khai bỏ phiếu trực tuyến trong ĐHCĐ, đây là một thông lệ tốt, cho phép các cổ đông thực hiện quyền lợi của mình, đồng thời góp phần tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.

Bên cạnh đó, tài liệu họp, biên bản và nghị quyết ĐHCĐ cũng được công bố chi tiết, đúng hạn và có đính kèm phiên bản tiếng Anh để các cổ đông cả trong và ngoài nước có thể nắm bắt thông tin kịp thời. Hoạt động quan hệ cổ đông cũng được thúc đẩy, thể hiện qua việc thành lập và công bố danh tính, thông tin liên hệ bộ phận quan hệ cổ đông (IR), cùng với việc tổ chức các sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư ngoài khuôn khổ ĐHCĐ.

Ở khía cạnh trách nhiệm xã hội, hầu hết các doanh nghiệp đều công bố đầy đủ chính sách và hoạt động thực tiễn liên quan đến bảo vệ quyền lợi khách hàng, đảm bảo sức khỏe, an toàn, phúc lợi, chính sách khen thưởng gắn với hiệu quả hoạt động dài hạn của công ty cho nhân viên, bảo vệ môi trường, giúp đỡ cộng đồng và đặc biệt là việc xem trách nhiệm xã hội như một tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp.

Bà Đoàn Phương Nhi, Thành viên Hội đồng Ðánh giá sơ khảo quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2021
Bà Đoàn Phương Nhi, Thành viên Hội đồng Ðánh giá sơ khảo quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2021

Bộ quy tắc ứng xử vẫn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam, nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố gắng trình bày tóm tắt các quy tắc ứng xử trong Báo cáo thường niên, hay công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đoạt giải cũng đã thể hiện tốt trách nhiệm với các bên liên quan bằng cách cung cấp thông tin liên hệ và cách thức để các đối tượng này có thể “lên tiếng” khi quyền lợi của mình chưa được đảm bảo.

Đối với nhóm thông tin về cơ cấu sở hữu, 100% các doanh nghiệp Top đầu công bố rõ ràng tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết của từng thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát và tổng giám đốc, 80% công bố danh tính của cổ đông lớn và 50% công bố cơ cấu sở hữu theo 4 nhóm cổ đông tổ chức/cá nhân, cổ đông trong nước/nước ngoài, cổ đông nhà nước (sáng lập)/cổ đông khác, cổ đông lớn/nhỏ.

Mặc dù hầu hết các báo cáo thường niên đều tóm tắt tiểu sử của HĐQT, nhưng chỉ các doanh nghiệp đoạt giải mới công bố đầy đủ tất cả thông tin bao gồm tuổi, trình độ đào tạo, chuyên môn, ngày đầu bổ nhiệm, kinh nghiệm phù hợp và vị trí HĐQT đang nắm giữ tại công ty khác.

Đáng kể hơn, ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng đến đa dạng hóa thành phần HĐQT khi ban hành các chính sách cân bằng giới và đặt ra các tiêu chí tuyển chọn thành viên HĐQT cao hơn mức cơ bản luật định và gắn với chiến lược phát triển của công ty.

Một dấu hiệu tích cực khác là một nửa các doanh nghiệp tốp đầu đã đạt được tỷ lệ tối thiểu 1/3 HĐQT là thành viên độc lập và có báo cáo về việc thành viên độc lập thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐQT. Thêm vào đó, 50% doanh nghiệp tốp đầu có thành lập ủy ban nhân sự và lương thưởng và một nửa số đó có thành viên độc lập đảm nhiệm vai trò chủ tịch các ủy ban kể trên, 10% và 40% lần lượt là tỷ lệ doanh nghiệp tốp đầu có chủ tịch HĐQT và chủ tịch ủy ban kiểm toán/trưởng ban kiểm soát là thành viên độc lập.

Có thể thấy rằng, các thành viên độc lập đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng quản trị công ty tại các doanh nghiệp niêm yết. Một số ít doanh nghiệp cũng đã tiếp cận được với thông lệ tốt khi tổ chức họp riêng các thành viên HĐQT không điều hành. Ngoài ra, hơn 60% doanh nghiệp đoạt giải cũng đã thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ.

Dù hầu hết các doanh nghiệp đều đề cập đến hoạt động thẩm định báo cáo tài chính, nhưng chỉ các doanh nghiệp tốp đầu có đề cập đến vai trò đánh giá đơn vị kiểm toán độc lập của ủy ban kiểm toán/ban kiểm soát. Tương tự, hầu hết các báo cáo thường niên đều trình bày các rủi ro trọng yếu và cách thức quản trị rủi ro, nhưng chỉ các doanh nghiệp tốp đầu có đề cập đến trách nhiệm đánh giá hệ thống quản trị rủi ro của HĐQT.

Cuối cùng, việc áp dụng Bộ nguyên tắc Quản trị công ty Việt Nam theo thông lệ tốt nhất (CG Code) hay lập và công bố báo cáo phát triển bền vững, báo cáo tích hợp theo tiêu chuẩn GRI, SASB được quốc tế công nhận là những điểm đáng học hỏi ở những doanh nghiệp đoạt giải năm nay.

Những tồn đọng, hạn chế

Bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn những tồn đọng, hạn chế mà các doanh nghiệp chưa khắc phục được.

Cụ thể, tài liệu họp ĐHCĐ chưa công bố rõ cách thức để cổ đông thực hiện quyền lợi của mình, gần một nửa các doanh nghiệp không công bố thư mời, tài liệu họp, biên bản, cũng như nghị quyết ĐHCĐ tiếng Anh. Biên bản họp ĐHCĐ vẫn chưa ghi nhận chi tiết thành phần tham dự của các thành viên HĐQT, ban kiểm soát và tổng giám đốc. Đối với các doanh nghiệp có tổ chức bầu cử thành viên HĐQT/ban kiểm soát mới, chỉ 50% doanh nghiệp công bố đầy đủ và đúng hạn sơ yếu lý lịch ứng viên.

Hầu hết các doanh nghiệp đều công bố báo cáo thường niên đúng hạn, nhưng chất lượng thông tin được cho là kém hơn so với 2019, đặc biệt là nội dung báo cáo phát triển bền vững. Nếu như năm 2019 có rất nhiều doanh nghiệp công bố riêng báo cáo phát triển bền vững với nội dung được đầu tư chỉn chu, thì trong năm tài chính 2020, đa phần các doanh nghiệp chỉ công bố nội dung này như một phần của báo cáo thường niên với những thông tin được rút gọn hơn.

Nhóm các doanh nghiệp dịch vụ thường không đề cập đến các chính sách, thực hành bảo vệ môi trường trong quá trình cung cấp dịch vụ, cũng như lựa chọn nhà cung cấp. Ngoài ra, chỉ một số ít doanh nghiệp có ban hành và công bố Bộ quy tắc ứng xử với nội dung chi tiết, quy định đối tượng áp dụng cho tất cả lãnh đạo, nhân viên và cách thức, kênh thông tin để các bên liên quan có thể báo cáo sai phạm.

Một điểm nữa, tới 90% doanh nghiệp đoạt giải năm nay chưa ban hành các chính sách cân bằng giới và đặt ra các tiêu chí tuyển chọn thành viên HĐQT cao hơn mức cơ bản luật định và gắn với chiến lược phát triển của công ty. Gần 50% số doanh nghiệp đoạt giải chưa đạt được con số tối thiểu 1/3 HĐQT là thành viên độc lập và đáng kể hơn, vẫn còn tồn tại trường hợp công bố sai tính độc lập với các thành viên HĐQT đã tại vị quá 10 năm hoặc nắm hơn 5% cổ phần có quyền biểu quyết.

Gần 90% các doanh nghiệp không có chủ tịch HĐQT là thành viên độc lập, một nửa số doanh nghiệp chưa thành lập ủy ban chuyên trách các công việc về bổ nhiệm và thù lao và 100% các doanh nghiệp không có cơ chế cho phép các cổ đông/nhóm cổ đông nhỏ sở hữu ít hơn hoặc bằng 5% cổ phần biểu quyết có cơ hội đề xuất ứng viên HĐQT. Một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng nguyên tổng giám đốc (đã miễn nhiệm trong vòng 2 năm gần đây) đang là thành viên HĐQT dẫn đến nguy cơ mâu thuẫn trong nội bộ, hay thành viên HĐQT kiêm nhiệm chức vụ tại nhiều hơn 5 doanh nghiệp khác, làm giảm mức độ tập trung và hiệu quả hoạt động.

Mặc dù các doanh nghiệp đã cởi mở hơn trong việc công bố thù lao của HĐQT, ban kiểm soát và tổng giám đốc, nhưng mức độ chi tiết vẫn còn hạn chế khi đa phần chỉ nêu tổng thu nhập từng thành viên, trong khi thông lệ tốt đòi hỏi các khoản mục chi tiết như lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác cần được công bố tách bạch.

Việc đào tạo quản trị công ty nói chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức khi chỉ có 50% số doanh nghiệp công bố chi tiết các khóa đào tạo mà HĐQT tham gia trong năm 2020 và gần như không có thông tin nào về việc đào tạo cho người phụ trách quản trị công ty/thư ký công ty. HĐQT của các doanh nghiệp đều thực hiện đánh giá chung ban điều hành, tuy vậy, có rất ít doanh nghiệp công bố thông tin đánh giá riêng tổng giám đốc kèm số liệu minh chứng cụ thể.

Nhìn chung, bên cạnh điểm tốt, vẫn còn tồn tại những hạn chế mà các doanh nghiệp cần cải thiện, để ngày càng nâng cao chất lượng quản trị công ty, từ đó nâng cao uy tín và tạo được lòng tin với các nhà đầu tư.

Đoàn Phương Nhi
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục