Trước đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản vào cuối năm 2014, sau đó đạt mức cao kỷ lục trên 10 nghìn tỷ USD hồi tháng 6/2015.
Tuy nhiên, cả thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc đã bị đánh bại trong năm nay trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ cùng với việc Chính phủ nước này thực hiện cắt giảm nợ và nền kinh tế chững lại.
“Để tuột mất thứ hạng này vào tay Nhật Bản là thiệt hại do cuộc chiến thương mại gây ra. Chỉ số vốn chủ sở hữu của thị trường Nhật Bản đang ổn định hơn trong khi vốn hóa thị trường của Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm nay”, Banny Lam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Tập đoàn Đầu tư Quốc tế CEB tại Hong Kong cho biết.
Trung Quốc để tuột mất vị trí thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới vào tay Nhật Bản. (Đồ họa: Bloomberg)
Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite Index đã mất hơn 16% chỉ trong năm nay và trở thành một trong những chỉ số tệ nhất thế giới. Thêm nữa, các cổ phiếu công nghiệp và công nghệ cũng nằm trong số những chỉ số tệ nhất của Trung Quốc.
Bộ Chính trị của Trung Quốc, một cơ quan gồm 25 lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản nước này, đã thông báo từ đầu tuần rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung hơn vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite Index vẫn đang trở nên tồi tệ nhất trong hơn một tháng qua.
“Nhiều khả năng, thị trường sẽ tiếp tục dao động ở mức thấp trong vài tháng tới. Nhưng vẫn có cơ hội cho thị trường chứng khoán Trung Quốc phục hồi với tổng vốn hóa tăng dần đến vị trí thứ hai thế giới một lần nữa. Xét cho cùng, nền tảng kinh tế của quốc gia này vẫn ổn định và đà tăng trưởng sẽ tiếp tục sau một đợt suy thoái ngắn hạn”, Linus Yip, chiến lược gia tại First Shanghai Securities Ltd. nhận định.
Theo Bloomberg, tuột mất vị trí thứ hai là một lời nhắc nhở về vai trò của Trung Quốc trong thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách đã cam kết mở các lĩnh vực đầu tư vào các ngành từ ngân hàng cho đến nông nghiệp, nhưng sở hữu nước ngoài về cổ phiếu và trái phiếu vẫn ở mức thấp.
Mặc dù chỉ số Topix của Nhật Bản đã giảm khoảng 4% trong năm nay, nhưng đây vẫn là một trong những thị trường hoạt động tốt ở châu Á trong bối cảnh có hỗ trợ từ việc Ngân hàng Nhật Bản mua các quỹ ETF.
Bên cạnh đó, hầu hết các công ty Nhật Bản tiếp tục báo cáo tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Gần 60% các công ty đã báo cáo lợi nhuận tăng vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.