Nhật Bản đề xuất nghỉ sáng thứ 2 đối phó tình trạng chết vì kiệt sức

Chính phủ Nhật Bản đang đưa ra kế hoạch cho phép nghỉ làm vào một buổi sáng thứ 2 trong tháng, nhằm giúp người lao động có thể có nhiều thời gian cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm thiểu tỷ lệ chết vì làm việc quá sức.
Nhật Bản đang phải "đau đầu" tìm cách đối phó với vấn nạn "nghiện" công việc của người lao động nước này. (Ảnh minh họa: Japan Times). Nhật Bản đang phải "đau đầu" tìm cách đối phó với vấn nạn "nghiện" công việc của người lao động nước này. (Ảnh minh họa: Japan Times).

Theo Telegraph, chính phủ Nhật Bản đã nảy ra ý tưởng nhằm loại bỏ, hoặc đẩy lùi lại “hiệu ứng thứ 2” cho người lao động. Đây là thuật ngữ ám chỉ cảm giác buồn và hụt hẫng vào tối chủ nhật khi người lao động vừa trải qua ngày nghỉ và họ sẽ phải chuẩn bị đi làm vào ngày hôm sau.

Chính vì vậy, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã đề xuất một kế hoạch mang tên “Thứ 2 tươi sáng”, cho phép người lao động nghỉ sáng thứ 2, nhằm giúp họ có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

“Thứ 2 tươi sáng” là một phần trong kế hoạch tổng thể của chính phủ nhằm khuyến khích các công ty cắt giảm thời gian làm ngoài giờ của nhân viên và cho phép họ về sớm hơn để giảm thiểu vấn nạn “karosi”, nghĩa là chết do làm việc kiệt sức.

Theo kế hoạch này, người lao động sẽ có một ngày thứ 2 trong tháng có thể nghỉ sáng và đến văn phòng sau bữa ăn trưa.

Năm ngoái, Nhật Bản đã ban hành chính sách “Thứ 6 thong thả” quy định rõ các công ty sẽ phải cho phép nhân viên về sớm vào ngày thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng để họ có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè.

Khi đó, chương trình này được kỳ vọng là sẽ làm giảm thiểu các căng thẳng liên quan tới công việc, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do người dân sẽ chi tiền nhiều hơn cho các hoạt động giải trí.

Ngoài ra, kế hoạch còn hướng tới việc tạo cho các cặp đôi có thời gian gần gũi, thân mật và có thể phần nào cải thiện vấn nạn tỉ lệ sinh tụt giảm “chóng mặt” tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, kế hoạch trên đã gặp trở ngại vì các công ty ở Nhật Bản thường có xu hướng phải hoàn thành các dự án và chỉ tiêu vào cuối tháng.

Thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cho thấy dù 89% người lao động biết tới “thứ 6 thong thả”, nhưng chỉ 11,2 % trong số đó thực hiện theo chương trình này.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục