Đặng Thanh Định, nhà sáng lập, CEO Nerman: Khai thác “đại dương xanh” trong ngành mỹ phẩm

0:00 / 0:00
0:00
Nhận thấy thị trường ngách mỹ phẩm dành cho nam giới rất tiềm năng và còn nhiều dư địa, Đặng Thanh Định cùng đội ngũ nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đang tiến những bước rất nhanh trên hành trình khởi nghiệp. TIN LIÊN QUAN

“Ngoại đạo”, vẫn tự tin khởi nghiệp

Đặng Thanh Định gây ấn tượng với những người lần đầu tiếp xúc bởi ngoại hình “nhỏ con”, mái tóc đôi chỗ điểm bạc dù anh mới ngoài 30 tuổi. Bù lại, ở Định luôn tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực. Đôi khi, trông anh có phần gấp gáp, vội vã. Tốc độ Định chia sẻ thông tin cũng nhanh giống như tốc độ anh đưa Nerman (start-up chuyên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp dành riêng cho nam giới) tiến lên.

Bắt đầu mở bán từ đầu năm 2021, đến hết quý I/2022, Nerman có 150.000 khách hàng và bán ra hơn 330.000 sản phẩm trên các kênh online. Tháng 6/2022, Nerman gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam và nhận được cam kết đầu tư 1 triệu USD. Trong tháng 11 này, Nerman công bố hợp tác với Walt Disney để cùng ra mắt bộ sản phẩm mới với tên gọi “Black Panther”.

Trong gần 2 năm, từ chỗ chỉ tập trung vào kênh online, Nerman đã có mặt tại các chuỗi mỹ phẩm lớn hàng đầu Việt Nam như Guardian, Hasaki.

Nếu chỉ nhìn vào loạt thành tích trên, không ít người sẽ nghi ngờ, phía sau Nerman phải là những chuyên gia am hiểu trong ngành mỹ phẩm và có sự hậu thuận mạnh mẽ về quan hệ lẫn tài chính. Nhưng thực tế, Đặng Thanh Định cùng 2 nhà sáng lập khác đều là người “ngoại đạo”. Anh khiêm tốn cho rằng, Nerman thành công phần nhiều vì may mắn.

Tỷ lệ khách hàng quay lại là vấn đề thiết yếu, chứ không phải chỉ bán hàng một lần là xong.

CEO Đặng Thanh Định

Định vốn là “dân” công nghệ, từng khởi nghiệp với nhiều start-up, từ phát triển game, ứng dụng điện thoại đến logistics… Trước Nerman, đội ngũ sáng lập cũng cùng nhau gây dựng một start-up chuyên về marketing trên mạng xã hội với tên gọi Minet. Minet từng gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư, đồng thời đã xuất hiện ở thị trường Hàn Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến quá trình gọi vốn của nhiều start-up công nghệ gặp khó khăn và Minet cũng không ngoại lệ.

Tình cờ trong một lần lướt mạng Internet, Định phát hiện một sản phẩm kem nền dành cho nam giới nhập từ Trung Quốc, đang bán tốt tại Việt Nam. Nhìn sang Hàn Quốc, bên cạnh các món đồ cơ bản như sữa tắm, dầu gội, là bạt ngàn thương hiệu cho nam, như kem dưỡng, son môi, sữa dưỡng thể, nước tẩy trang… Trong khi đó, tại Việt Nam, thật khó để kể tên một thương hiệu mỹ phẩm nội hướng tới đối tượng nam giới.

“Đó là ‘đại dương xanh’ và còn quá nhiều dư địa. Vì thế, Nerman hướng tới thị trường ngách là mỹ phẩm dành cho nam giới, cung cấp sản phẩm chính hãng cho người Việt, làm vì người Việt”, Định chia sẻ.

Không am hiểu về mỹ phẩm, nên thời gian đầu, các nhà sáng lập mua tất cả sản phẩm họ biết trên thị trường, từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… về nghiên cứu và đưa ra cảm nhận của bản thân. Sau đó, nhóm phối hợp cùng các chuyên gia trong ngành hóa, dược phẩm lên ý tưởng, phát triển sản phẩm để đưa ra thị trường.

Nerman cũng mất vài tháng “chệch choạc” khi chọn sai dòng sản phẩm và phân khúc khách hàng. Đó là những sản phẩm trị mụn cho người dưới 18 tuổi, vốn cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trong các phòng thí nghiệm thì mới mang lại hiệu quả tốt. Chưa kể, nếu trị mụn không thành công, thì khách hàng sẽ không quay lại và nếu thành công, họ cũng… không cần quay lại.

“Nerman lựa chọn mô hình D2C (Direct to Consumer - bán trực tiếp từ nhà sản xuất đến người dùng), nên tỷ lệ khách hàng quay lại là vấn đề thiết yếu, chứ không phải chỉ bán hàng một lần là xong. Do đó, chúng tôi quyết định chuyển hướng”, Định nói.

Doanh thu triệu USD từ mô hình tinh gọn

Chính bản thân những nhà sáng lập cũng không ngờ, sự chuyển hướng đó đã mang đến hiệu quả ngay tức khắc và đáng ngạc nhiên. Họ quay về với những dòng nhẹ nhàng hơn như chăm sóc da, tắm rửa, trang điểm… hướng tới số đông.

Đặng Thanh Định nhà sáng lập CEO Nerman.

Đặng Thanh Định nhà sáng lập CEO Nerman.

Tháng 10/2021, Nerman ghi nhận doanh thu khoảng 50.000 USD và ngay sau khi đổi hướng, start-up đã nhân 5 doanh số, đạt 250.000 USD trong tháng 11/2021. Quý I/2022, start-up đạt doanh thu lên tới 1,3 triệu USD (theo thông tin chia sẻ trên Shark Tank Việt Nam) và vẫn đang tăng trưởng đều đặn 50 - 100% mỗi tháng.

Trong cơ cấu doanh thu của Nerman, kênh online chiếm khoảng 95%, offline chiếm 5%. Liên tục tăng trưởng, nhưng start-up không mở rộng đội ngũ nhân sự. Nhà sáng lập cho biết, mảng kho vận của Nerman hiện có 25 nhân sự, mảng văn phòng có 20 nhân sự; chỉ riêng đội ngũ kho vận cần tuyển thêm người để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh đơn hàng.

Đội ngũ sáng lập của Nerman gồm 3 người. Đôi lúc, họ cũng có mâu thuẫn trong công việc, nhưng chưa bao giờ xảy ra bất đồng lớn, vì cả 3 đã lập “giao kèo” trước khi khởi nghiệp, phân công nhiệm vụ rõ ràng từ đầu, luôn chia sẻ và trao đổi thẳng thắn, không mập mờ.

Bởi vậy, thẳng thắn cũng là một nét quan trọng trong văn hóa làm việc của Nerman. Nếu có vấn đề mâu thuẫn, các nhà sáng lập sẽ cùng nhau bàn bạc, trao đổi, chứ không giữ trong lòng.

“Trước giờ, chúng tôi vẫn hoạt động như vậy và rất hiệu quả. Không phải lúc nào chúng tôi cũng lựa chọn đúng, nhưng quan trọng là start-up đồng lòng để cùng tiến về phía trước, như vậy mới thành công”, Định bộc bạch.

Ở thời điểm hiện tại, dù không tiết lộ chi tiết, nhưng CEO Nerman cho biết, start-up đã bắt đầu có lãi. Đặc biệt, không ai trong số các nhà sáng lập rút phần lãi ra cho riêng mình mà vẫn đang tái đầu tư toàn bộ vào start-up.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục