Mặc dù các tổ chức như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đang tích cực điều phối dự trữ dầu chiến lược ở các nước thành viên trực thuộc, nhưng hầu hết các nước châu Á lại không phải là thành viên của IEA và cũng không thể tài trợ cho các chương trình dự trữ dầu dài hạn đắt tiền.
Đây thật sự là một vấn đề, bởi châu Á hiện là động lực tăng trưởng nhu cầu về dầu mỏ lớn nhất thế giới và sự phụ thuộc của khu vực vào nguồn cung dầu ở Trung Đông đã tăng nhanh hơn cả ở châu Âu hay Mỹ.
Ông Nobuo Tanaka, cựu Giám đốc điều hành IEA, cho biết hôm thứ Năm tuần trước (19/9), mặc dù IEA không cần phải cung cấp các nguồn cung ngay lập tức, nhưng cơ quan này cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự gia tăng xung đột quân sự giữa Ả Rập Xê-út và Iran.
Cũng theo ông Tanaka, công suất tối đa của kho dầu mỏ dự trữ chiến lược IEA có thể không đủ nếu nguồn cung của cả Ả Rập Xê-út và Iran gặp trục trặc.
"Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng với những rủi ro như vậy, IEA đã phải đối mặt với vấn đề lịch sử kể từ khi thành lập vào năm 1974", ông Tanaka nói.
Theo cơ quan phân tích S&P Global Platts Analytics, Ả Rập Xê-út xuất khẩu 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, 75% trong số đó, tương đương với 5,3 triệu thùng, xuất đi châu Á. Để so sánh thì con số này một năm trước đó chỉ là 4,8 triệu thùng mỗi ngày.
Năm nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 83% thị phần xuất khẩu dầu sang châu Á của Ả Rập Xê-út, năm ngoái con số này là 81%. Trong khi các thành viên IEA, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, được yêu cầu phải có lượng dự trữ dầu tương đương 90 ngày nhập khẩu, thì Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang xây dựng kho trữ lượng dầu khẩn cấp.
"Ở hầu hết các nước châu Á không có chương trình dự trữ dầu khẩn cấp. Kho dự trữ dầu cần đầu tư một số tiền rất lớn vào cơ sở hạ tầng, cũng như chi phí cho việc mua và lưu trữ khối lượng lớn dầu trong một thời gian không xác định", Alex Yap, chuyên gia phân tích cao cấp tại S&P Global Platts Analytics cho biết.
Theo Alex Yap, trong khi các nhà xuất khẩu dầu mỏ như Indonesia hay Malaysia không cần kho dự trữ dầu khẩn cấp, thì các nước nhỏ không có đủ khả năng đầu tư vào một kho dầu tốn kém như vậy.
Theo ước tính của các cơ quan phân tích, chi phí lưu trữ bao gồm xây dựng bể chứa, bảo trì có thể dao động từ 7 USD đến 12,4 USD mỗi thùng.
"Ấn Độ là một nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ lớn, nhưng quốc gia này đã không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc xây dựng các kho dầu dự trữ khẩn cấp", ông Yap nói thêm.
Theo số liệu chính thức, Ấn Độ đã nhập khẩu 226,6 triệu tấn dầu (4,55 triệu thùng mỗi ngày) trong năm tài khóa 2018 - 2019. Trong khi đó, nước này chỉ đưa vào kho dầu dự trữ khẩn cấp 11,83 triệu tấn, trữ lượng này tương đương với chưa đầy 20 ngày nhập khẩu.
Ông Nobuo Tanaka nhận định, trước những vấn đề liên quan đến xung đột quân sự ở Vùng Vịnh có thể xảy ra, IEA nên nghiêm túc xem xét việc đưa Trung Quốc và Ấn Độ trở thành thành viên của mình, vì hệ thống dự trữ dầu khẩn cấp hiện tại sẽ không đủ nếu không có sự tham gia của những khách hàng lớn.
Năm nay, Ả Rập Xê-út là nguồn cung dầu lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 16% tổng lượng dầu nhập khẩu vào quốc gia này. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, tỷ lệ dầu nhập khẩu từ Ả Rập Xê-Út còn cao hơn, lần lượt là 36%, 28% và 19%.
Trữ lượng chính xác của kho dầu dự trữ khẩn cấp ở Trung Quốc không rõ ràng, một phần vì trữ lượng dầu thương mại cũng được sử dụng cho kho dầu dự trữ, một phần vì tốc độ nhập khẩu dầu tăng nhanh đến mức, yêu cầu mức dự trữ tương đương 90 ngày nhập khẩu là một con số quá cao. Bắc Kinh cũng không công bố dữ liệu chính thức về trữ lượng dầu của mình.
Lần cuối cùng Trung Quốc công bố dữ liệu chính thức của kho dầu dự trữ là vào tháng 12/2017 với 37,73 triệu tấn, tương đương 276,56 triệu thùng. Đây là số liệu tính đến giữa năm 2017 với 9 kho dự trữ dầu khẩn cấp hoạt động.
Dữ liệu vệ tinh của Ursa Space Systems cho thấy, trữ lượng dầu ở Trung Quốc vào cuối tháng 8 lên tới 659,5 triệu thùng, trong đó trữ lượng của kho dầu dự trữ khẩn cấp là 164,1 triệu thùng.
Để so sánh, nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 8 là 2,4 tỷ thùng, điều đó có nghĩa là trữ lượng không đạt tiêu chuẩn 90 ngày nhập khẩu.