Đằng sau việc đổi tên, đổi thương hiệu của doanh nghiệp

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay có nhiều doanh nghiệp lớn lên kế hoạch đổi tên công ty, thay đổi nhận diện thương hiệu, xuất phát từ sự thay đổi chiến lược của doanh nghiệp, mở rộng phân khúc hoạt động, mở rộng danh mục sản phẩm, ngành nghề...
Đằng sau việc đổi tên, đổi thương hiệu của doanh nghiệp

Có cổ đông sáng lập là Sacombank, trong nhiều năm qua, hoạt động của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín được thị trường biết đến với thương hiệu Sacomreal, gắn liền với Sacombank.

Ngày 29/3 vừa qua, Sacomreal chính thức đổi tên thương hiệu thành TTC Land và mở rộng ngành nghề kinh doanh. Sau khi thay đổi thương hiệu, Công ty sẽ mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại cho thuê, bất động sản khu công nghiệp, logistics và các dịch vụ bất động sản.

Ông Bùi Tiến Thắng, Tổng giám đốc TTC Land cho biết, doanh nghiệp nào cũng trang bị cho mình một hệ thống nhận diện, qua đó nói lên cá tính thương hiệu, giúp công chúng nhận diện thương hiệu công ty. Diện mạo của hệ thống nhận diện thương hiệu cũng cần thay đổi để theo kịp những vận động của doanh nghiệp và thời thế.

Theo đó, trong mảng mới là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, TTC Land sẽ phát triển Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Ocean Lotus - Phú Quốc, quy mô 245 ha. Với bất động sản thương mại cho thuê, Công ty đang trong giai đoạn đưa Trung tâm thương mại TTC Palaza Tây Ninh vào hoạt động, thi công Dự án TTC Plaza Bình Thạnh (TP.HCM) và Dự án TTC Plaza Đức Trọng (Lâm Đồng), trong năm 2018 sẽ triển khai thêm 2 dự án tại Đà Nẵng.

Với mảng bất động sản khu công nghiệp, thông qua các công ty thành viên, TTC Land đang sở hữu khu công nghiệp tại Tây Ninh, quy mô 1.020 ha; khu công nghiệp tại Long An, quy mô 53 ha; Khu liên hợp cảng - công nghiệp - kho vải Vịnh Đầm, quy mô hơn 77 ha.

TTC Land hiện có tổng tài sản gần 17.000 tỷ đồng, quỹ đất hơn 1.500 ha, tăng mạnh so với con số 1.000 ha cuối năm 2017.

Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng và 1.068 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42% so với năm 2017. Đồng thời, DXG sẽ tiến hành đổi tên Công ty, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối đối tác, khách hàng giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển trong giai đoạn mới.

Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị DXG, Công ty đã lựa chọn được tên mới nhưng chưa thể tiết lộ, sau khi đăng ký với cơ quan chức năng sẽ công bố cụ thể.

Tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Hội đồng quản trị đã có nghị quyết về các nội dung xin ý kiến cổ đông trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 20/4 tới, trong đó có nội dung thay đổi tên Công ty.

SSI được biết đến là công ty chứng khoán hàng đầu, thường xuyên dẫn đầu thị phần môi giới, là một trong những công ty đầu tiên đáp ứng được các tiêu chí để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh và sản phẩm chứng quyền có bảo đảm. Với bề dày hoạt động và thương hiệu SSI gần gũi, quen thuộc với giới đầu tư, động thái đổi tên của Công ty khiến thị trường bất ngờ.

Tuy nhiên, SSI dự kiến sẽ đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, nhằm giúp các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài nhận diện dễ dàng thương hiệu SSI của Công ty.

Sau khi hoàn tất việc thâu tóm 99,4% cổ phần Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime (MSI), giá trị giao dịch khoảng 33 triệu USD, KB Securities đã đưa người vào Hội đồng quản trị MSI, gồm ông Cho Nam Hoon, ông Jun Sang Hoon và ông Rho Seung Joon, thay thế cho 3 thành viên có đơn xin từ nhiệm là ông Nguyễn Đức Hoàn, bà Đoàn Mỹ Bình và ông Thái Anh Tuấn, đồng thời đổi tên Công ty và bộ nhận diện thương hiệu. MSI đã đổi tên Công ty thành Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và thương hiệu Chứng khoán KB Việt Nam cũng chính ra mắt.

Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc KBSV cho biết, trong năm 2018, cùng với việc đổi tên và hệ thống nhận diện thương hiệu, KBSV sẽ có những thay đổi về chất, trong đó có việc tăng vốn điều lệ, tăng cường chất lượng nhân sự, hệ thống hạ tầng và công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm mới bao gồm sản phẩm phái sinh. Trước mắt, việc tăng vốn để đáp ứng nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực chính của KBSV là ngân hàng đầu tư và dịch vụ chứng khoán. Mảng mua bán - sáp nhập (M&A) cũng sẽ được Công ty chú trọng.

Trước đó, cuối năm 2017, Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã thông qua việc đổi tên thành Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa. Việc đổi tên này diễn ra sau khi SBT hoàn tất sáp nhập với Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS).

Theo SBT, Đường Biên Hòa là một thương hiệu lớn, đã khẳng định được uy tín và chất lượng đối với người tiêu dùng trong nước và khách hàng thế giới. Việc đổi tên như trên nhằm gìn giữ nét tinh túy trong thương hiệu Đường Biên Hòa và gia tăng vị thế của SBT sau sáp nhập.        

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục