Đằng sau sự tăng giá phi mã của sắt thép

(ĐTCK) Trong 12 tháng qua, giá quặng sắt tăng 150% và giá thép tăng mạnh, trong khi đây là hai mặt hàng có sức ảnh hưởng lớn tới những trụ cột kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.

Các yếu tố ảnh hưởng tới giá quặng sắt

Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau khi đại dịch Covid-19 được kiềm chế đã thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trở lại. Nhu cầu sản xuất tăng cao kéo theo giá của một loạt nguyên liệu thô bị cuốn vào chu kỳ tăng mạnh, tiêu biểu là quặng sắt và thép.

Quặng sắt là nguyên liệu chính để chế tạo thép, vật liệu quan trọng đối với ngành xây dựng, bất động sản, công nghiệp sản xuất ô tô, năng lượng sạch. Do đó, nhu cầu sản xuất tăng khiến cho giá thép tăng và ảnh hưởng trực tiếp tới giá quặng sắt.

Hiện nay, Úc là quốc gia có trữ lượng quặng sắt lớn nhất thế giới, đồng thời là nước có sản lượng khai thác và xuất khẩu lớn nhất, chiếm 53%.

Brazil là nước xuất khẩu quặng sắt lớn hai với tỷ trọng 24%. Sản lượng khai thác và xuất khẩu ở hai quốc gia này ảnh hưởng trực tiếp tới giá của quặng sắt và thép.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa là nước tiêu thụ lớn nhất cũng vừa là nước nhập khẩu lớn nhất đối với mặt hàng này, với tỷ trọng lần lượt là 57% và 68%.

Cơ cấu tiêu thụ quặng sắt trên thế giới.

Đáng lưu ý, các động thái căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc với hàng loạt mức thuế quan được áp dụng gây ra nỗi quan ngại đối với nguồn cung. Khi các nhà ngoại giao Trung Quốc liên tục công kích phía Úc, các doanh nghiệp Đại lục buộc phải tìm tới nguồn cung quặng sắt khác, khiến giá bị đẩy lên cao.

Trong năm 2020, nguồn cung quặng sắt bị hạn chế vì các mỏ phải tạm dừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19 mà các quốc gia ban hành lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Sang năm 2021, khi kinh tế phục hồi, lượng tiêu thụ thép tăng mạnh trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, khoa học, tài nguyên và môi trường Úc, vào cuối tháng 3, giá sắt chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu từ phía Trung Quốc và những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ở Brazil.

Cơ cấu xuất nhập khẩu quặng sắt trên thế giới.

Tuy là nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, nhưng trước nhu cầu về thép tăng đột biến, Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu quặng sắt, góp phần làm cho giá hàng hóa này tăng đột biến.

Thêm vào đó, giá thép tăng mạnh đã khuyến khích các nhà máy ồ ạt sản xuất nhằm nắm bắt cơ hội tăng lợi nhuận, đồng thời sẵn sàng mua vào quặng sắt để tăng năng suất.

Diễn biến giá thép hiện nay

Giá quặng sắt đã tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ, ở mức 223 USD/tấn vào ngày 12/5/2021.

Mức tăng giá của một số thị trường trong 1 năm qua.

Một số phiên gần đây, đà tăng giá của quặng sắt bắt đầu chững lại và điều chỉnh giảm, chủ yếu do giá thép Trung Quốc giảm 10 phiên liên tiếp. Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) đóng cửa ngày 20/5/2021 ở mức 177 USD/tấn, còn trên Sàn giao dịch hàng hóa Singapore là 195,38 USD/tấn.

Diễn biến giá hợp đồng quặng sắt tháng 6/2021 trên Sở Giao dịch hàng hóa Singapore trong 6 tháng qua.

Diễn biến điều chỉnh này xảy ra khi Chính phủ Trung Quốc có động thái mạnh hơn trong việc kiềm chế đà tăng nóng của giá thép. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tiến hành một cuộc khảo sát chung tại các nhà máy thép ở Hà Bắc vào đầu tuần qua.

Công ty thép tại Đường Sơn và Thượng Hải được yêu cầu duy trì một mặt bằng giá tốt hơn. Đồng thời, chính phủ nước này lên kế hoạch đóng cửa một số nhà máy sản xuất thép lạc hậu và hạn chế sản lượng thép để đạt mục tiêu trung hoà carbon.

Tại châu Âu, giá các loại thép nhập khẩu như thép cuộn cán nóng và cuộn cán nguội đều tăng trung bình 50 EUR/tấn, lần lượt dao động quanh mức 1.045 EUR và 1.220 EUR/tấn. Trong khi đó, giá thép cây tăng 70 EUR/tấn, lên khoảng 705 EUR/tấn.

Ở chiều ngược lại, vào lúc 9h30 ngày 21/5/2021 trên Sở Giao dịch hàng hóa Thượng Hải, giá thép cây tiếp tục hạ xuống, với mức giảm khoảng 0,7 USD/tấn, về 800 USD/tấn; giá thép cuộn cán nóng giảm 4,3 USD/tấn, xuống 857 USD/tấn.

Trong khi đó, tại Việt Nam, trong ngày 19/5/2021, nhiều công ty thép lớn đồng loạt thông báo tăng giá thép cuộn CB240. Tính riêng từ đầu tháng 5 tới nay, giá loại thép này đã tăng trên 10%.

Giá thép CB240 của Thép Hòa Phát, Thép Thái Nguyên, Thép Miền Nam, Thép Úc và Thép Việt Mỹ đều niêm yết ở mức 18.270 đồng/kg. Một số thương hiệu khác như Thép Việt Đức, Thép Kyoei, Thép Pomina niêm yết mức giá quanh 18.110 đồng/kg.

Dự báo giá quặng sắt và thép tới cuối năm 2021

Khi giá sắt và thép tăng mạnh, yếu tố đầu cơ trong thị trường hàng hoá dần tăng lên, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhận ra cơ hội kiếm lợi nhuận nhờ đầu tư quặng sắt. Diễn biến giảm giá trong những phiên gần đây có thể chỉ là một đợt điều chỉnh của thị trường sau thời gian dài tăng nóng.

Về phía nguồn cung, sản xuất quặng sắt vẫn tập trung ở một vài công ty chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng. Chi phí đầu vào cao vẫn là một rào cản đáng kể đối với các công ty mới muốn gia nhập thị trường. Trong khi đó, một số công ty lớn có động thái cắt giảm quy mô trong những năm gần đây, nhằm giảm nợ và điều chỉnh sản lượng theo giá.

Về phía cầu, cạnh tranh khốc liệt hơn, mặc dù Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường quặng sắt. Các nhà máy thép nước này cạnh tranh với nhau để đảm bảo nguồn cung luôn sẵn có và tiếp cận các nguồn cung mới tiềm năng hơn.

Các công ty khai thác lớn ở Úc đã lên kế hoạch tăng năng suất sản xuất quặng sắt, nhưng sẽ không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh trên toàn cầu. Do đó, giá quặng sắt nhiều khả năng vẫn mức cao trong thời gian tới, dù sản lượng của Brazil dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường trong năm nay.

Giá quặng sắt có thể tiếp tục tăng khi hai nguồn cung cấp quặng sắt lớn là Tây Úc và Brazil đều bị ảnh hưởng bởi gián đoạn sản xuất và vận chuyển do các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như những trận mưa lớn làm gián đoạn các hoạt động ở Brazil, lốc xoáy ảnh hưởng đến các chuyến hàng xuất khẩu từ Úc.

Vì thế, sự tăng, giảm của giá sắt và thép không thể nhận định trong ngắn hạn, mà buộc các nhà đầu tư phải theo dõi tình hình các nước lớn trong chuỗi cung cầu.

Phạm Vũ Thủy Tiên, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục