Đằng sau khoản lợi “khủng” từ những thương vụ mua bán dự án tai tiếng - Bài 3: Những chiêu thức “kinh điển” nhằm thâu tóm của công

Đặc điểm chung của chiêu thức này là sự câu kết của “đại gia” với doanh nghiệp nhà nước để lợi dụng cổ phần hóa, liên kết, liên doanh góp vốn làm dự án trên đất công, rồi biến “của công” thành “của ông” với giá bèo.
Khu “đất vàng” tại quận 1 (TP.HCM) đã được Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) bán với giá rẻ, không qua đấu giá.

Bài 3: Những chiêu thức “kinh điển” nhằm thâu tóm của công

Đặc điểm chung của chiêu thức này là sự câu kết của “đại gia” với doanh nghiệp nhà nước để lợi dụng cổ phần hóa, liên kết, liên doanh góp vốn làm dự án trên đất công, rồi biến “của công” thành “của ông” với giá bèo. Ngay sau đó, dự án được các ông trùm, bà trùm lướt sóng, thu lợi hàng ngàn tỷ đồng siêu tốc.

Mua đất công, được “biếu” thêm đất ở

Theo công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ, sau khi thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, thì hơn 6.849 m2 tại số 5 - đường 22, khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức, TP.HCM) là đất công được giao Công ty Vật tư và Thiết bị Toàn Bộ (Công ty Toàn Bộ) quản lý sử dụng từ năm 1997.

Tháng 10/2008, Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành văn bản cho Công ty Toàn Bộ chuyển mục đích sử dụng sang đất ở để xây dựng Dự án Khu nhà ở thấp tầng liên kế có sân vườn khi không đủ điều kiện, không đúng đối tượng sử dụng đất.

Tới tháng 8/2012, UBND quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức) ban hành Quyết định số 4504/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở thấp tầng, theo Thanh tra Chính phủ, là không đúng với Quy hoạch 1/2.000 được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt.

Thay vì triển khai Dự án, ngày 15/6/2015, Công ty Toàn Bộ ký hợp đồng bán luôn Dự án cho Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới (Công ty Thế Giới). Sau đó, tới tháng 9/2015, Dự án được Văn phòng Đăng ký đất đai chứng nhận thay đổi nhà đầu tư trên “sổ đỏ” thành Công ty Thế Giới.

Việc bán dự án trên được thực hiện theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”, tức bán trước khi được UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển nhượng (ngày 9/12/2015).

Đáng nói là, Công ty Thế Giới còn được… biếu thêm diện tích 2.256,4 m2 đất ở tại đô thị, với số tiền khoảng 28 tỷ đồng (là phần vốn nhà nước do Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP nắm giữ 51% vốn điều lệ tại Công ty Toàn Bộ), vì giá trị chuyển nhượng Dự án chưa tính diện tích này.

Không chỉ khu đất trên, Công ty Toàn Bộ còn quản lý một khu khác hơn 1.000 m2 tại số 244 -Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức) và cũng được Chủ tịch UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển mục đích làm dự án bất động sản.

Nhưng sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư (ngày 8/9/2016), Công ty Toàn Bộ đề nghị chuyển nhượng Dự án. Tới ngày 13/1/2017, UBND TP.HCM chấp thuận bán Dự án cho Công ty TNHH Tuyết Nga.

Thu hơn 800 tỷ đồng, lãi gần gấp đôi chỉ trong… vài tháng

Thương vụ “lướt” đất công ẵm siêu tốc số tiền khủng này là thương vụ mua bán Dự án Khu Trung tâm thương mại, văn phòng tại số 39-39B - Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM (Dự án 39-39B Bến Vân Đồn), liên quan tới Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số đơn vị khác.

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn có diện tích 6.201 m2 với 2 tòa tháp, gồm các loại hình căn hộ, văn phòng thương mại, dịch vụ, sở hữu vị trí đắc địa ngay mặt tiền trục đường lớn tại quận 4, đối diện trung tâm tài chính quận 1. Đến nay, Dự án đã hoàn thành xây dựng và bán hết cho người sử dụng.

Theo tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, khu đất Dự án 39-39B Bến Vân Đồn vốn có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước do Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa (thuộc VRG trước khi cổ phần hóa) quản lý.

Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty cao su Bà Rịa góp vốn (tỷ lệ lần lượt là 72% và 28%) để lập ra Công ty TNHH Phú Việt Tín (Công ty Phú Việt Tín) để làm chủ đầu tư Dự án.

Tới năm 2010, UBND TP.HCM có quyết định giao đất tại số 39-39B - Bến Vân Đồn cho Công ty Phú Việt Tín đầu tư xây dựng dự án thương mại, văn phòng, căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn (officetel) và căn hộ. Năm 2014, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 186 tỷ đồng.

Tháng 9/2014, Công Quốc Cường Gia Lai bỏ ra hơn 464 tỷ đồng mua lại toàn bộ vốn góp của Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa tại Công ty Phú Việt Tín để sở hữu 99,5% vốn của doanh nghiệp này.

Kết quả, Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ tốn hơn 464,2 tỷ đồng để sở hữu 100% cổ phần tại Công ty Phú Việt Tín, tức sở hữu Dự án 39-39B Bến Vân Đồn.

Ngay trong quá trình chuyển nhượng vốn góp để làm chủ dự án trên, Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng “tranh thủ” bán luôn. Cụ thể, ngày 3/9/2014, Công ty Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng 30 triệu đồng vốn góp, tương đương 0,5% vốn điều lệ của mình trong Công ty Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với giá 3 tỷ đồng.

Hơn 2 tháng sau, tức sau khi sở hữu 100% vốn tại Công ty Phú Việt Tín, ngày 14/11/2014, Công ty Quốc Cường Gia Lai bán nốt 94% phần vốn góp của mình cho 2 công ty khác, gồm: bán cho Công ty cổ phần Bất động sản Thịnh Vượng 40% vốn điều lệ với giá hơn 340 tỷ đồng; bán 54% vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Biệt thự Thành phố với giá hơn 459 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà Công ty Quốc Cường Gia Lai thu về sau khi chuyển hết vốn góp tại Công ty Phú Việt Tín là hơn 800 tỷ đồng, lãi gần gấp đôi so với số vốn bỏ ra, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi.

Lướt sóng “dây chuyền”, đẩy dự án từ 730 tỷ đồng lên gần 7.300 tỷ đồng

Đây là phi vụ thâu tóm diện tích hơn 6.200 m2 “đất vàng” tại số 33 - Nguyễn Du và số 34-36-42 - Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) mà Báo Đầu tư đã có vệt bài điều tra phản ánh.

Mảnh đất vàng trên là đất công, được giao Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, vốn là công ty 100% vốn nhà nước) quản lý, sử dụng.

Năm 2015, Vinafood 2 hợp tác với Công ty Việt Hân của “đại gia” Đinh Trường Chinh lập ra Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng cao ốc trên mảnh đất này. Trong đó, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng “sổ đỏ” mảnh đất, còn Công ty Việt Hân Sài Gòn góp 80% vốn bằng 640 tỷ đồng.

Khi đối tác chuyển vốn góp 570 tỷ đồng, tháng 12/2015, Vinafood 2 chuyển nhượng nốt 20% phần vốn nhà nước (trị giá 160 tỷ đồng, gồm sổ đỏ và tài sản trên đất) cho đối tác.

Như vậy, hơn 6.200 m2 đất vàng công sản đã rơi vào tay “đại gia” Đinh Trường Chinh, với tổng giá trị chỉ 730 tỷ đồng, mà không qua đấu giá.

“Đại gia” Đinh Trường Chinh với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Thành viên, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp sổ đỏ mảnh đất trên với ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông. Tổng giá trị tài sản đảm bảo là các cơ sở nhà đất lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, số tiền vay được gần 1.700 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ khoảng 4 tháng (tính từ cuối tháng 12/2015 tới tháng 4/2016), sau khi về tay tư nhân, tổng tài sản miếng đất hơn 6.200 m2 mua với giá 730 tỷ đồng đã vọt lên hơn… 2.000 tỷ đồng, tức gấp gần 3 lần.

Sau đó, Công ty Việt Hân và Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông bán 100% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty cổ phần Saigon Dimension (60% vốn góp), Công ty Đầu tư BOB (40% vốn góp).

Tháng 2/2017, chủ mới của Công ty Việt Hân Sài Gòn thuê một công ty thẩm định giá thẩm định lại toàn bộ cơ sở nhà đất để thế chấp và giá trị khu đất được xác định lên tới hơn 7.250 tỷ đồng.

Trên cơ sở này, chủ mới của Công ty Việt Hân Sài Gòn đem thế chấp Ngân hàng SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 9 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn, để bổ sung thực hiện thi công một dự án.

Như vậy, chỉ sau 11 tháng, tính từ cuối tháng 12/2015 (Vinafood 2 bán xong mảnh đất) tới tháng 2/2017 (công ty thẩm định giá xác định giá trị khu đất để chủ mới của Công ty Việt Hân Sài Gòn đem thế chấp), tổng giá trị mảnh đất hơn 6.200 m2 đã tăng từ 730 tỷ đồng lên gần 7.300 tỷ đồng.

Cái giá phải trả

Với thương vụ mua bán Dự án 39-39B Bến Vân Đồn, hàng loạt cá nhân đã bị khởi tố bắt giam, trong đó có những “đại gia” tên tuổi như bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai), Lê Quang Thung (cựu Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VRG), Trần Ngọc Thuận (nguyên Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc VRG)… Thậm chí, C03 bắt giam cả bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó trưởng ban, Ban Chỉ đạo 09, Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Với thương vụ bán 2 khu đất ở TP. Thủ Đức và sai phạm của UBND TP.HCM, Tổng thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

“Đại gia” Định Trường Chinh cũng bị khởi tố bắt giam ở một vụ án khác, nhưng cũng có liên quan vụ mua bán trên mảnh “đất vàng” hơn 6.000 m2 của Vinafood 2. Ở thương vụ này, hàng loạt cựu lãnh đạo Vinafood 2 cũng bị khởi tố, bắt giam.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục