Bài 2: Chi 1.700 tỷ đồng, “phù phép” thành hàng chục ngàn tỷ đồng
Nếu như Nguyễn Cao Trí mua dự án rủi ro pháp lý với giá rẻ rồi “chạy cửa quan” để lướt sóng với giá “ngất trời”, thì Trương Mỹ Lan tỏ ra thận trọng, chủ yếu bỏ vốn vào những dự án an toàn. Nhưng khi có sổ đỏ trong tay, chỉ trong một thời gian ngắn, “bà trùm” đã “phù phép” miếng đất dự án mua với giá 1.700 tỷ đồng lên hàng chục ngàn tỷ đồng, xoay vòng dòng tiền rồi mới bán.
Mua dự án hơn 1.800 ha với giá chỉ 1.700 tỷ đồng
Đây chính là bí mật chưa từng “phơi sáng” ở Dự án Khu công nghiệp đô thị Việt Phát (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), do Công ty cổ phần Tân Thành Long An là chủ đầu tư.
Công ty Tân Thành Long An tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Nuôi trồng nông lâm thủy sản Tân Thành, được UBND tỉnh Long An chấp thuận chuyển sang cổ phần hóa năm 2006.
Dự án Khu công nghiệp đô thị Việt Phát có tổng diện tích hơn 1.800 ha (chia thành Khu công nghiệp Việt Phát 1.200 ha và Khu đô thị Việt Phát 625 ha). Năm 1998, UBND tỉnh Long An giao diện tích này cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Nuôi trồng nông lâm thủy sản Tân Thành để khai hoang sản xuất trồng mía.
Sau khi Tân Thành Long An trở thành công ty cổ phần, năm 2006, UBND tỉnh Long giao hơn 1.800 ha đất nói trên cho công ty này để xây dựng khu đô thị và khu công nghiệp như hiện nay.
Theo tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, sau cổ phần hóa, Công ty Tân Thành Long An có 4 cổ đông góp vốn. Bà Phạm Thị Thiền, một trong 4 cổ đông, giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty.
Sau đó, khoảng năm 2013, Công ty Tân Thành Long An được chuyển sang chủ mới là ông Lâm Trúc Nhỏ (ông Nhỏ giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Tân Thành Long An).
Ông Lâm Trúc Nhỏ cũng chính là Chủ tịch HĐQT Công ty Vina Yến, đang đi kêu cứu vì thuê lại chính mảnh đất trong Khu đô thị Việt Phát vốn là của mình, rồi bị Công ty Tân Thành Long An đem thế chấp sổ đỏ, dẫn tới cảnh Vina Yến thiếu vốn làm ăn.
Đáng chú ý, ông Lâm Trúc Nhỏ đã 2 lần xác tín với phóng viên Báo Đầu tư (lần thứ nhất vào ngày chuẩn bị tuyên án đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, lần thứ hai vào ngày 7/11/2024) rằng, ông bán với hình thức cổ phần tại Công ty Tân Thành Long An, thực chất là bán Dự án Khu công nghiệp đô thị Việt Phát cho Trương Mỹ Lan, với giá chỉ khoảng 1.700 tỷ đồng.
Sau khi mua, bà Lan vẫn đề nghị ông Nhỏ làm đại diện pháp luật tại Công ty Tân Thành Long An. Tuy nhiên, khi bà Lan cử người đưa nhiều hồ sơ “phức tạp” muốn ông Nhỏ ký, ông hoảng quá, trả “ghế”, rút ra khỏi Công ty Tân Thành Long An để “của ai nấy xài, thân ai nấy lo”.
Xoay vòng hơn 5 ha đất ra 33.000 tỷ đồng
Ngày 1/4/2014, Công ty Tân Thành Long An ký hợp đồng nguyên tắc số 14/HĐNT_TIZICO.14 cho Công ty Vina Yến thuê một thửa đất hơn 51.600 m2 tại Khu công nghiệp Việt Phát. Thời gian thuê là 42 năm. Tổng giá trị hợp đồng thuê đất là hơn 37 tỷ đồng.
Hai bên thỏa thuận, khi Công ty Vina Yến nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích đất thuê, thì sẽ thanh toán hết 50% giá trị còn lại của hợp đồng và 2 bên tiến hành thanh lý hợp đồng.
Từ ngày 1/4/2014 đến ngày 18/5/2018, Công ty Vina Yến đã thanh toán cho Công ty Tân Thành Long An hơn 3,9 tỷ đồng.
Vào ngày 10/10/2017, tại cuộc họp liên quan Khu công nghiệp Việt Phát, đại diện Công ty Vina Yến “ngớ người” khi hay thông tin: từ tháng 12/2015, Công ty Tân Thành Long An đã được cấp “sổ đỏ” đối với 2 thửa đất, trong đó, bao gồm cả diện tích đất mà Vina Yến đã thuê, nhưng lại không giao trả “sổ đỏ” cho Vina Yến theo quy định.
Công ty Vina Yến còn tiếp tục “chết đứng” khi phát hiện “sổ đỏ” mảnh đất của mình đã bị Công ty Tân Thành Long An thế chấp cho hàng loạt chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để bảo đảm cho hàng chục công ty khác (bao gồm doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) vay vốn hơn 33.000 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị công nghiệp Việt Phát sau đó được Trương Mỹ Lan bán cho bà Võ Thị Kim Khoa (dưới hình bán 100% cổ phần).
Sau khi Công ty Vina Yến khởi kiện và sau 2 phán quyết của tòa sơ thẩm, phúc thẩm, cơ quan thi hành án đã nhiều lần yêu cầu chủ mới của Công ty Tân Thành Long An phải giao lại Vina Yến 2 “sổ đỏ”, bởi theo SCB, các khoản vay đã giải chấp.
Tháng 4/2024, Chi cục Thi hành án huyện Thủ Thừa lập đoàn cưỡng chế, nhưng bà Khoa vẫn không tới làm việc để trao trả “sổ đỏ”.
“Xẻo” tiếp gần 500 ha, “vặt” thêm 15.000 tỷ đồng
Không chỉ mảnh đất của Công ty Vina Yến, tháng 5/2021, Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An là Phạm Nguyễn Bảo Trung (nhân viên Tập đoàn Acumen, tập đoàn giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại) cùng SCB định giá gần 300 ha thuộc đất Khu công nghiệp Việt Phát với giá 7.300 tỷ đồng.
Sau đó, Công ty Tân Thành Long An thế chấp khu đất cho SCB để phát hành trái phiếu mang tên mình, thu về 5.000 tỷ đồng.
Song song đó, Công ty Tân Thành Long An đem tiếp hơn 177 ha đất thế chấp SCB làm tài sản đảm bảo cho Công ty Vạn Trường Phát phát hành trái phiếu. Từ tháng 6 đến tháng 11/2021, Vạn Trường Phát phát hành trái 5 đợt trái phiếu, mỗi đợt 2.000 tỷ đồng. Tổng giá trị 5 đợt phát hành là 10.000 tỷ đồng.
Kết cục, 15.000 tỷ đồng trái phiếu của 2 doanh nghiệp liên quan “bà trùm” Trương Mỹ Lan đã khiến hàng ngàn trái chủ khốn đốn tới giờ này.
Bị thu hồi gần 1.300 ha, vẫn có giá… 20.000 tỷ đồng
Khoảng năm 2021, “đại gia” Tập đoàn X (tập đoàn mua Dự án Đại Ninh của Nguyễn Cao Trí với giá 27.600 tỷ đồng) tới gặp Trương Mỹ Lan đề nghị mua lại Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát. Khai tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, bà Lan cho hay, dự án này được Công ty Hải Sơn nhận định có triển vọng giá trị lên tới 60.000 tỷ đồng, nhưng do đại diện Tập đoàn X “năn nỉ”, nên bà Lan mới bán với giá 30.000 tỷ đồng kèm theo điều kiện bên mua phải chịu trách nhiệm gần 20.000 tỷ đồng của 3 gói trái phiếu, gồm Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát (tổng trị giá 15.000 tỷ đồng) và Bông Sen (4.800 tỷ đồng) cũng như nghĩa vụ tồn đọng khác của Công ty.
Ngày 1/8/2022, nhóm cổ đông sở hữu 100% vốn Công ty Tân Thành Long An của Trương Mỹ Lan và bà Võ Thị Kim Khoa (thuộc Tập đoàn X) ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Tân Thành Long An cho bà Võ Thị Kim Khoa, với giá hơn 30.000 tỷ đồng.
Bà Võ Thị Kim Khoa đã chuyển tiền đặt cọc 1.750 tỷ đồng và trở thành chủ sở hữu của Công ty Tân Thành Long An.
Tới tháng 6/2023, tức khi đại án Trương Mỹ Lan nổ ra, theo xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong hơn 1.800 ha đất dự án, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định 5497/QĐ-UBND ngày 23/6/2023 thu hồi 2 khu đất tổng cộng hơn 1.300 ha (hơn 471 ha đất trồng cây lâu năm và gần 900 ha đất cơ sở văn hóa có kinh doanh).
Theo bản án đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, bởi các lý do trên, tại biên bản thỏa thuận ngày 7/9/2024 cũng như tại tòa, Trương Mỹ Lan đã đồng ý điều chỉnh giá bán từ 30.000 tỷ đồng xuống 20.000 tỷ đồng. Theo đó, giá trị 20.000 tỷ đồng được khấu trừ nghĩa vụ trả nợ trái phiếu 15.000 tỷ đồng; số tiền đặt cọc 1.750 tỷ đồng và các nghĩa vụ tồn đọng khác của Công ty Tân Thành Long An. Song song đó, bà Võ Thị Kim Khoa phải chuyển 2.500 tỷ đồng cho bà Lan để bảo đảm nghĩa vụ khắc phục hậu quả vụ án.
Tuy nhiên, đến nay, các bên chưa thống nhất được các nghĩa vụ tồn đọng khác của Công ty Tân Thành Long An, nên bà Khoa chưa đồng ý chuyển 2.500 tỷ đồng cho bị cáo Lan, cũng chưa thống nhất chuyển tiền mặt hay sản phẩm của dự án.
Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II cho rằng, việc điều chỉnh giá này không đúng với tinh thần thỏa thuận chung liên quan chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Tân Thành Long An, gây ảnh hưởng tới quyền đảm bảo liên quan phát hành trái phiếu gói 19.800 tỷ đồng và làm thay đổi giá trị chuyển nhượng dự án so với ký kết trước khi vụ án xảy ra.
Liên quan đến việc chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Tân Thành Long An, bị cáo Lan và bà Khoa chưa xác định được nghĩa vụ khác tồn đọng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận chung. Do đó, Hội đồng Xét xử chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Như vậy, 6 thửa đất với tổng diện tích hơn 1.800 ha chỉ mua với giá khoảng 1.700 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan đã thu về 15.000 tỷ đồng từ 2 thửa có tổng diện tích gần 500 ha, xoay vòng được 33.000 tỷ đồng cho các công ty con trả nợ hoặc kinh doanh từ thửa đất hơn 5 ha và dù bị thu hồi tới gần 1.300 ha nữa, vẫn giữ giá… tới 20.000 tỷ đồng.
Quả là “có một không hai”.
Thương vụ Lavifood
Năm 2021, Trương Mỹ Lan mua lại Công ty Lavifood (để sở hữu Dự án Nhà máy Lavifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) từ ông Lê Thành để hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp; giao Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long, Tổng giám đốc và Đặng Quang Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty Lavifood.
Từ chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân chỉ đạo “tay chân” tại Công ty Lavifood lập, quản lý 26 công ty “ma” để chuyển thủ tục sang SCB lập hồ sơ vay vốn khống và lập 26 công ty khác để sử dụng, lập hồ sơ vay khống tại SCB. 52 công ty trên đã vay 105 khoản vay, còn tổng dư nợ hơn 2.345 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB hơn 1.200 tỷ đồng.
(Còn tiếp)