Đằng sau con số 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016

Kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập trong một năm được chính thức xác lập. Lần đầu tiên, trong năm 2016, Việt Nam có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Điều gì làm nên kỳ tích này?

Những con số sống động

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông dùng tới từ “sống động” khi nhắc tới kỷ lục này.

“Đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây. Điều đó cho thấy sức sống của môi trường kinh doanh Việt Nam”, ông Đông nói.

Năm ngoái, khi số này được chốt ở gần 95.000 doanh nghiệp, nhiều người đã mơ tới kỷ lục 100.000 doanh nghiệp thành lập trong một năm. Nhất là khi năm 2016 là năm đầu tiên đánh giá được tác động của 2 đạo luật với nhiều tư tưởng cải cách là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Đằng sau con số 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 ảnh 1

 Lần đầu tiên, trong năm 2016, Việt Nam có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Cách đây 3 tháng, khi nhìn nhận riêng giai đoạn 1/7/2015 - 1/7/2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã ghi nhận kỷ lục là 105.975 doanh nghiệp.

Sự sống động và sức sống của môi trường kinh doanh Việt Nam không chỉ ở con số kỷ lục về doanh nghiệp thành lập mới trong năm nay, mà còn ở tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2015. So với con số 6,3 tỷ đồng của năm 2015, quy mô doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng tăng mạnh.

“Rõ ràng, những cơ hội đang mở ra, hấp dẫn giới đầu tư, kinh doanh. Đây chính là động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn tới”, ông Đông nhận định.

Mổ xẻ các bệ đỡ

Có khá nhiều điểm sáng được cho là bệ đỡ cho kỷ lục trên trong đăng ký kinh doanh, nhưng cũng là bước cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh Việt Nam. Có nghĩa là, sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới sẽ không phải chỉ là chuyện của riêng năm 2016.

Một là, động lực từ các quy định pháp lý, cơ chế chính sách giải phóng quyền tự do kinh doanh. Hai là, giảm chi phí tối đa trong gia nhập thị trường, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm, trung bình chỉ còn 2,05 ngày; thời gian cấp mã số doanh nghiệp còn 30 phút thay vì 30 giờ...

Rõ ràng, những cơ hội đang mở ra, hấp dẫn giới đầu tư, kinh doanh. Đây chính là động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

- Thứ trưởng Đặng Huy Đông.

Ba là, tư duy phục vụ đang dần thay thế tư duy quản lý trong các cơ quan đăng ký kinh doanh. Bốn là, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước được cải thiện rõ rệt...

“Việc chuyển từ cơ chế xét duyệt sang cơ chế im lặng là đồng ý đã thay đổi căn bản chất lượng dịch vụ công. Khi thông báo các nội dung như cổ đông sáng lập, địa điểm kinh doanh, mẫu dấu..., doanh nghiệp có thể không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh để nhận kết quả. Kết quả này được công khai tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích.

Đặc biệt, mối lo trước đó về những phức tạp có thể xảy ra khi Luật Doanh nghiệp quyết định trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong quyết định hình thức, nội dung của con dấu đã không xảy ra. “Chưa phát hiện bất kỳ tranh chấp, lừa đảo nào liên quan đến thực hiện thông báo mẫu dấu theo quy định mới. Con dấu đã không còn là công cụ “đấu tranh” nữa”, ông Tuấn cho biết thêm.

Đăng ký kinh doanh mới là bước mở cửa

Bức tranh doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm nay cũng hàm chứa khá nhiều điều tích cực.

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 19.917 doanh nghiệp, tăng 4.268 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước (27,3%). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 40.750 doanh nghiệp, giảm 14.992 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước (giảm 26,9%).

“Khi xác định dừng có thời hạn, các doanh nghiệp đã tính khả năng quay trở lại hoạt động kinh doanh”, ông Bùi Anh Tuấn nói.

Rõ ràng, sự trở lại này, cũng như số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh doanh, nghĩa là khả năng hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh một cách an toàn, bình đẳng của doanh nghiệp.

Nói cách khác, chính sự chuẩn hóa lần đầu tiên của hệ thống quy định về điều kiện kinh doanh, bãi bỏ hơn 6.000 giấy phép con, cũng như thông điệp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/ năm... của Chính phủ đã có tác động tích cực.

Đặc biệt, Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vừa được ban hành với việc loại bỏ 20 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phần lớn sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017 đang được kỳ vọng sẽ mở thêm nhiều cơ hội kinh doanh.

Có thể nói, đây là những lý do chính kéo gần 27.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động trước đó quay trở lại kinh doanh trong năm 2016, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song, đến thời điểm này, như nhận định của bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco, doanh nghiệp vẫn bị khó bởi thủ tục hành chính, cơ chế chính sách chưa sát với hoạt động của doanh nghiệp.

“Nguyên tắc hoạt động của kinh tế thị trường là sòng phẳng, nên cần thúc đẩy doanh nghiệp dám cạnh tranh bằng công nghệ, bằng kỹ thuật. Với doanh nghiệp chúng tôi là phải đi phát triển vùng trồng, vùng nguyên liệu..., dù khó nhưng doanh nghiệp sẽ làm. Chúng tôi cần cơ chế chính sách phải thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động theo hướng này, chứ không  phải doanh nghiệp muốn làm gì cũng phải xin”, bà Thuận nói.

Điều này cũng đồng nghĩa sự nỗ lực của hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ đủ để tạo làn sóng khởi nghiệp, đăng ký mới của doanh nghiệp. Sức bền của làn sóng này cần sự nỗ lực của từng công chức ở các cơ quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền địa phương.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục