Thêm một thương vụ M&A ngoại
Những ngày qua, thị trường xôn xao trước thông tin FPT đã hoàn thành việc ký kết thỏa thuận với Tập đoàn RWE về việc mua Công ty RWE IT Slovakia. Đây là thương vụ M&A đầu tiên tại nước ngoài của FPT nói riêng và doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin Việt Nam nói chung.
Theo thỏa thuận, RWE IT Slovakia sẽ trở thành DN 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia kể từ ngày 1/7/2014. RWE sẽ trở thành khách hàng lớn nhất của FPT Software tại châu Âu, với hợp đồng trị giá 80 triệu USD trong vòng 5 năm.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, thỏa thuận với RWE không chỉ đơn thuần là việc FPT có thêm một công ty con và khoản doanh thu kỳ vọng 80 triệu USD trong vòng 5 năm, mà còn là cơ hội có được những khách hàng mới tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... “Tôi kỳ vọng thị trường châu Âu sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng thời gian tới”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, thương vụ giữa FPT và RWE IT chỉ là một trong các thương vụ M&A với đối tác ngoại trong thời gian gần đây của các DN Việt.
Cuối tháng 12/2013, Vinamilk đã công bố mua lại 70% cổ phần của Công ty Sữa Driftwood Dairy (Mỹ). Trước đó, tháng 8/2012, Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) đã mua lại 65% cổ phần của Công ty Epocha & Golden Ocean Tanzania Ltd (Egotel) của Cộng hoà Tanzania, châu Phi.
Tháng 10/2012, PetroVietnam cũng thông báo đã hoàn tất việc mua lại Oil Blocks No.67, Maranon River tại Peru…
Câu chuyện “mô hình tăng trưởng”
“Nhìn sâu hơn có thể thấy, các DN Việt Nam thực hiện M&A ra nước ngoài để giải quyết câu chuyện mô hình phát triển và tăng trưởng hoặc bổ sung/hoàn thiện chuỗi giá trị cho mô hình hoạt động trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay”, ông Nguyễn Quang Thuân, CEO của Công ty Nghiên cứu thị trường Stoxplus nhận định và cho rằng, đối với FPT, trước áp lực duy trì tốc độ tăng trưởng trên dưới 20%/năm trong nhiều năm qua, thì việc FPT mở rộng ra thị trường nước ngoài một cách mạnh mẽ là điều dễ hiểu.
Phát biểu tại Hội nghị Chiến lược FPT năm 2013, ông Trương Gia Bình cho biết, sau khi đạt được 1 tỷ USD vào năm 2008, doanh thu của Tập đoàn không còn tăng mạnh như những năm trước. “Thị trường Việt Nam đã trở nên quá nhỏ bé so với FPT, nên ra biển lớn là hướng đi tất yếu để FPT lấy lại tốc độ tăng trưởng như trong quá khứ”, ông Bình nhấn mạnh.
Còn lắm chông gai...
Đánh giá cao làn sóng đầu tư ra nước ngoài của DN Việt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đào Quang Thu từng phát biểu rằng, việc các DN đầu tư ra nước ngoài đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Còn ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng Tư vấn Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt nhận xét, có nhiều lợi ích từ việc một số tập đoàn trong nước thực hiện M&A tại nước ngoài, tùy thuộc vào từng ngành, nghề. Ví dụ, các ngành liên quan đến sản xuất mà các nguồn nguyên liệu thiết yếu, đặc thù, được hình thành, sản xuất ở nước ngoài, thì việc đầu tư vào các công ty “thượng nguồn” cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu này là cần thiết nhằm ổn định số lượng, giá cả và chất lượng của nguồn nguyên liệu đầu vào.
Lợi ích còn đến từ việc mở rộng thị trường, như trường hợp FPT, bằng cách tạo mối quan hệ với các khách hàng, đối tác sẵn có của các công ty được mua lại. Lợi ích cũng có thể đến từ việc tiếp thu, sở hữu, kế thừa các công nghệ về sản xuất, sản phẩm, quản lý tiên tiến, cũng như tiếp thu được đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ cho toàn bộ đội ngũ nhân viên, cả trong nước lẫn nước ngoài.
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích trên, các DN Việt cũng sẽ gặp phải những trở ngại tương tự trường hợp của nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Đầu tiên, chính là vấn đề pháp lý tại các nước mà DN có dự án đầu tư. Bên cạnh đó, việc tìm đối tác và nhân sự điều hành phù hợp cũng là trở ngại cho DN sau M&A. Các thống kê về sự thất bại sau M&A của StoxPlus chỉ ra rằng, phần lớn thất bại là do DN chọn sai đối tác hoặc CEO, chứ không phải do mô hình kinh doanh kém tiềm năng.