Khởi sự kinh doanh tụt hạng
Theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business 2015) tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015, Việt Nam đứng hạng 78 (tụt 6 bậc so với thứ hạng 72 năm 2014). Đáng chú ý, xếp hạng khởi sự kinh doanh (Starting a Business) của Việt Nam tụt 5 bậc, xuống 125. Trong khi đó, Thái Lan xếp hạng 75 và Malaysia xếp hạng 13 về chỉ số này.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc xếp hạng khởi sự kinh doanh ở Việt Nam là số lượng các thủ tục phải thực hiện; thời gian thực hiện các thủ tục; chi phí; chi phí đã trả (% thu nhập/vốn) đều mở mức cao hơn mức bình quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoại trừ các yếu tố có ảnh hưởng đến khởi sự kinh doanh tại Việt Nam, thời gian cần cho một DN khai sinh và đi vào hoạt động dao động từ 15 - 34 ngày, với chi phí tối thiểu 2,5 triệu đồng (xem bảng).
Các giải pháp sẽ kém hiệu quả nếu…
Trước hết, phải khẳng định rằng, thủ tục thành lập DN là một thủ tục hành chính mà người thành lập DN bắt buộc phải tuân thủ theo quy định của cơ quan ĐKKD và các cơ quan có liên quan khác. Như vậy, muốn cải cách và rút gọn thủ tục, thời gian và chi phí thành lập DN để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh tại Việt Nam cũng nằm trong chính các cơ quan này. Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (Điều 27), thì Cơ quan đăng ký DN có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ hồ sơ đăng ký DN và cấp GCNĐKDN trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. So sánh với Luật Doanh nghiệp 2005, thủ tục này đã được rút gọn 2 ngày.
Những điểm quan trọng khác có thể thay đổi và cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh tại Việt Nam chính là những quy định mới trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi như: ngành nghề kinh doanh (không bị cấm đầu tư kinh doanh); con dấu DN (DN tự chủ động khắc và đăng ký với cơ quan ĐKKD nếu có)...
Cần lưu ý rằng, hơn 4 năm qua, với sự liên thông về thủ tục hành chính giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế, các thủ tục xin cấp mã số thuế được rút gọn và nằm ngay trong thủ tục ĐKKD - DN được cấp một mã số DN duy nhất được dùng để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các thủ tục hành chính và nghĩa vụ khác. Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định này. Tuy nhiên, nếu các thủ tục xin mua/đặt in hóa đơn VAT cũng được liên thông giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế hoặc đẩy nhanh việc ứng dụng thương mại điện tử cho phép mọi DN được tự in/sử dụng hóa đơn điện tử (có thông báo/kê khai với cơ quan thuế) sẽ giúp cho việc khởi sự kinh doanh của DN Việt sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tương tự như vậy, sự liên thông về thủ tục hành chính giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan quản lý nhà nước về lao động, BHXH sẽ giúp DN tiết kiệm cả về chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về lao động và BHXH (hoàn toàn nằm trong khả năng của các cơ quan này).
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý các bất cập trong việc thừa nhận giá trị pháp lý các giấy tờ, hồ sơ thành lập và thay đổi nội dung ĐKKD, liên thông về thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước có liên quan (cơ quan ĐKKD, tòa án, thuế…) cũng sẽ giúp cho việc triển khai ĐKKD qua mạng qua Cổng thông tin ĐKDN Quốc gia http://dangkykinhdoanh.gov.vn được đồng bộ, rút ngắn hơn nữa về thời gian, thủ tục và chi phí cho việc khởi sự kinh doanh tại Việt Nam.
Sau cùng, dù đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và sự liên thông thủ tục giữa các cơ quan có liên quan có tốt bao nhiêu chăng nữa, nhưng những người đại diện cho các cơ quan nhà nước (đội ngũ cán bộ, công chức) thực thi các thủ tục đó kém hoặc đơn giản là không theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin, có yếu tố lợi ích bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện, thì Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Có thể nói, “bóng” hiện đang nằm trên sân cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh tại Việt Nam nói chung và khởi sự kinh doanh nói riêng.