SAB: Giá cổ phiếu tăng 112%, vốn hóa tăng mạnh
SAB là cái tên mới nhất gia nhập danh sách vốn hóa tỷ USD ngay từ khi niêm yết. Với mức giá chào sàn 106.000 đồng/cổ phiếu ngày 6/12/2016, giá trị vốn hóa của SAB là hơn 3 tỷ USD. Với mức tăng giá ấn tượng hơn 112% trong vòng chưa đầy 2 tuần giao dịch, SAB gây ấn tượng khi giá trị vốn hóa đang từ vị trí thứ 5 vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng (sau VNM).
SAB hiện đứng vị trí thứ 17 trong các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, Top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á và chiếm khoảng 40% thị phần tại thị trường bia Việt Nam - thị trường tiêu thụ bia lớn thứ ba châu Á.
HPG: giá cổ phiếu tăng 75%, vốn hóa 1,67 tỷ USD
Năm 2015, thị trường xây dựng hồi phục, nhóm doanh nghiệp thép đạt sản lượng tiêu thụ khả quan, nhưng giá thép thế giới giảm sâu và tình trạng dư cung từ thị trường Trung Quốc gây áp lực cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nội địa. Trong bối cảnh đó, HPG vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 10%.
Năm 2016, giá thép thế giới và trong nước bất ngờ tăng mạnh khiến doanh nghiệp ngành thép nói chung và HPG nói riêng tăng tốc. 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HPG đạt 23.300 tỷ đồng, vượt ngưỡng 1 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.656 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Công ty vượt mốc 4.000 tỷ đồng lợi nhuận khi năm tài chính chưa kết thúc.
Thành công này của HPG chủ yếu nhờ hai sản phẩm chiến lược là thép xây dựng và ống thép có mức tăng trưởng mạnh. Theo số liệu đến tháng 11/2016, dù chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ thép nhập khẩu có xu hướng lách thuế tự vệ, HPG đã tiêu thụ 1.580.000 tấn thép xây dựng, hoàn thành 95% kế hoạch năm, thị phần trên 25% và lần đầu tiên, sản lượng tiêu thụ vượt 200.000 tấn/tháng.
Đi kèm với những con số kỷ lục đầu tiên ghi nhận, giá cổ phiếu HPG cũng tăng lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Mức tăng giá tính đến ngày 22/12 đạt 75% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận Công ty có mức vốn hóa lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD.
“Mặc dù chịu những ảnh hưởng từ giá nguyên liệu tăng mạnh, HPG được kỳ vọng tiếp tục giữ vị thế vượt trội trong ngành cả về năng lực sản xuất và thị phần trong năm 2017. Nhờ nhu cầu xây dựng nội địa tích cực và mặt bằng giá được hỗ trợ bởi thuế tự vệ, HPG có thể giảm thiểu tác động từ tăng giá nguyên liệu đầu vào, duy trì biên lợi nhuận gộp trên 20%, vượt trội so với trung bình ngành”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định về HPG trong năm 2017.
MWG: giá cổ phiếu tăng hơn 100%, vốn hóa 1,07 tỷ usd
MWG gia nhập “câu lạc bộ” vốn hóa tỷ USD trong năm 2016 nhờ cổ phiếu có mức tăng giá hơn 100%. Những năm gần đây, công ty này có tốc độ tăng trưởng cao, vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện máy, với hệ thống siêu thị Thế giới di động và Điện máy Xanh liên tục được mở rộng (trong năm 2016, MWG mở thêm 516 siêu thị, nâng tổng số lên 1.149 siêu thị).
Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) nhận định, Điện máy Xanh hiện đứng đầu thị trường với khoảng 16 - 17% thị phần. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Điện máy Xanh có thể đạt được khoảng 30% thị phần cả nước trong thời gian tới.
11 tháng đầu năm 2016, MWG đạt 39.666 tỷ đồng doanh thu, tăng 76%; lợi nhuận đạt 1.445 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2015 và vượt 4% kế hoạch năm 2016.
Vừa qua, Hội đồng quản trị MWG đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2017, với chỉ tiêu doanh thu 63.280 tỷ đồng, lợi nhuận 2.200 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), MWG là doanh nghiệp được quản lý tốt dựa trên công nghệ thông tin, sự quản lý chặt chẽ về hàng tồn kho và môi trường phân quyền dựa trên tặng thưởng xứng đáng cho đội ngũ quản lý, điều này giải thích cho vị trí của MWG hiện nay. MBS dự báo, MWG tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2017 và 2018. Bước chuyển mình sang mảng bách hóa sẽ quyết định tiềm năng tăng trưởng dài hạn sau năm 2018.
ROS: Giá cổ phiếu tăng 1.100%, vốn hóa trên 2 tỷ USD
Năm 2015, tổng tài sản của ROS tăng 478% từ 781,8 tỷ đồng lên 4.552,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 1.394% từ 226 tỷ đồng lên 3.149 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 75,6 lần và 58 lần so với năm 2014.
9 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản của ROS tăng lên 7.969,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 4.700 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận đạt 1.504 tỷ đồng và 232 tỷ đồng, vượt xa mức thực hiện của cả năm 2015.
Ngày 1/9/2016, ROS lên niêm yết, với mức giá tham chiếu trong phiên chào sàn là 10.500 đổng/cổ phiếu. Sau gần 3 tháng giao dịch, giá cổ phiếu này tăng 1.100%, đạt 111.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 27/12.
Giá cổ phiếu tăng mạnh giúp giá trị vốn hóa của ROS đạt trên 2 tỷ USD, góp phần đưa ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, cổ đông lớn của ROS trở thành tỷ phú USD trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Công ty Chứng khoán Artex nhận xét, ROS là một trong những nhà tổng thầu xây dựng dự án bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay, cùng với Conteccons, Hòa Bình…
Tốc độ thi công nhanh và chất lượng cao là yếu tố đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực này, sẽ giúp ROS tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động. Tuy nhiên, sự tăng trưởng “thần kỳ” của ROS về quy mô tài sản và giá cổ phiếu khiến một số nhà đầu tư tỏ ra e ngại.
Ngoài ra, các dự án ROS thi công chủ yếu là các công trình của FLC, do vậy sẽ cần thêm thời gian để Công ty chứng minh năng lực, tạo dựng tên tuổi, củng cố niềm tin trong lòng nhà đầu tư.
Mỗi doanh nghiệp lọt vào danh sách vốn hóa tỷ USD trong năm 2016 (chưa tính các doanh nghiệp trên sàn UPCoM) đều mang trong mình câu chuyện riêng, có tên tuổi đã được khẳng định trong ngành, qua thời gian dài tạo niềm tin với nhà đầu tư, nhưng cũng có cái tên khá mới, nhưng đều đem lại niềm vui cho cổ đông, nhà đầu tư “can đảm” đặt niềm tin vào doanh nghiệp.
Năm 2017, dự báo có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn, như Petrolimex, Vietnam Airlines, Vietjet, Novaland, VPBank, KienlongBank…, “câu lạc bộ” doanh nghiệp có giá trị vốn hóa tỷ USD sẽ ngày càng mở rộng và lớn mạnh. Qua đó, thị trường có thêm cổ phiếu chất lượng, quy mô thị trường tăng nhanh, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, vị thế của doanh nghiệp cũng được nâng lên.