Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc phát huy tốt vai trò lãnh đạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã cho thấy vai trò lãnh đạo to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Ảnh: Internet. Ảnh: Internet.

Phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện…

Với chặng đường 25 năm, hệ thống tổ chức đảng tại Vĩnh Phúc ngày càng được phát triển, củng cố, kiện toàn. Khi mới tái lập tỉnh có 474 tổ chức cơ sở đảng với 3,7 vạn đảng viên, đến nay đã phát triển được 598 tổ chức cơ sở đảng với trên 7 vạn đảng viên.

Đảng bộ tỉnh đã thực hiện tốt công tác tư tưởng, góp phần tạo sự đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm”. Công tác dân vận đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, trong sạch. Thực hiện tốt việc đối thoại, tiếp dân giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Không chỉ làm tốt vai trò lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ tỉnh còn thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thực hiện Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2016-2021 (Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016). Đến nay, toàn tỉnh giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 272 thôn, tổ dân phố; giảm 03 đơn vị trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, 208 phòng, ban và tương đương cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 461 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp so với thời điểm 30/11/2016; cắt giảm 2.796 biên chế và hỗ trợ thôi việc theo cơ chế của tỉnh cho 2.303 biên chế; tinh giản 11.473 người hoạt động không chuyên trách.

Vĩnh Phúc là một điểm sáng trong phát triển kinh tế. Ảnh: Internet.

Vĩnh Phúc là một điểm sáng trong phát triển kinh tế. Ảnh: Internet.

đưa Vĩnh Phúc thành điểm sáng phát triển kinh tế

Sau 25 năm tái lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế của luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%, bình quân giai đoạn 1997 – 2021 tăng 13,42%/năm. Chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động). Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997: 1,96 nghìn tỷ đồng), tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước.

Kinh tế phát triển, GRDP bình quân đầu người của tỉnh cũng liên tục tăng qua các năm, năm 2020, đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh/thành phố trong cả nước; năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 (năm 1997: 2,18 triệu đồng/người).

Vĩnh Phúc cũng là một trong những điểm sáng về đóng góp cho ngân sách. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng và luôn nằm trong TOP các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước. Năm 1997 mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2009 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2020 và năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997. Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện các chính sách xã hội.

Cùng với đó là việc cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2021, chiếm đến 63,74%; năm 1997 là 18,4%). Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 36,48% năm 1997 xuống 28,43% và khu vực nông, lâm thủy sản giảm từ mức 45,13% năm 1997 xuống còn 7,83% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.

Thanh Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục