Phát triển vượt bậc
Tính chung cả giai đoạn 25 năm qua tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt khá cao, bình quân tăng 13,42%/năm, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng 20,13%/năm (riêng công nghiệp tăng 21,44%/năm), ngành dịch vụ tăng 9,72%/năm và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,85%/năm.
Quy mô giá trị tăng thêm theo giá hiện hành năm 2020 đạt 123,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 14 cả nước, thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng, ước năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997: 1,96 nghìn tỷ đồng). GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, vượt mức bình quân của cả nước. Tính đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Vĩnh Phúc (giá hiện hành) đạt 105,5 triệu đồng/người (tương đương 4.500 USD), cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước (2.779 USD), đứng 5/11 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước. Ước năm 2021, GRDP bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với GRDP bình quân đầu người năm 1997 (năm 1997: 2,18 triệu đồng/người).
Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực. Khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh, ước năm 2021 tỷ trọng khu vực này chiếm đến 63,74% tổng giá trị tăng thêm của ba khu vực kinh tế (năm 1997 tỷ trọng khu vực này là 18,4%). Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 36,48% năm 1997 xuống 28,43% và khu vực nông, lâm thủy sản giảm từ mức 45,13% năm 1997 xuống còn 7,83% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.
Những điểm nhấn nổi bật
Có thể kể đến một số điểm nhấn về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Vĩnh Phúc đã đạt được sau 25 năm, như:
Kinh tế nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân tăng 13,42%/năm. Ước năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997: 1,96 nghìn tỷ đồng). GRDP bình quân đầu người liên tục tăng trưởng, đến năm 2020 cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước, đứng 5/11 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước. Ước năm 2021, đạt 114,3 triệu đồng/người cao gấp 52,5 lần so với năm 1997.
Thu ngân sách liên tục đạt những mốc mới và luôn nằm trong TOP các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất, hiện nay Vĩnh Phúc là 1 trong 16 tỉnh có điều tiết về Ngân sách Trung ương với tỷ lệ cao (47%). Năm 2021 ước tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 32,1 nghìn tỷ đồng gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997.
Thu hút đầu tư trở thành “điểm sáng” của cả nước khi đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng.
Vĩnh Phúc thực hiện tốt nhiệm vụ kép chống dịch và phát triển kinh tế. Ảnh: TTX. |
Nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hiện đại, đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất công nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế khi từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay tỉnh đã có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Giáo dục đạt nhiều thành tựu nổi bật, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Từ năm 2019 đã có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014.
Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đặc biệt quan tâm, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện. Vĩnh Phúc đã cơ bản khống chế được dịch, bảo vệ “vùng xanh”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đảm bảo và đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách về giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo trợ xã hội được ban hành với nhiều điểm, nhiều nội dung, nhiều mức hỗ trợ cao hơn bình quân cả nước. Trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều liên tục giảm và đến năm 2021 ước chỉ còn dưới 0,5%.
Tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được thực hiện hiệu quả, qua việc sắp xếp, tinh gọn, tinh giản hàng năm đã tiết kiệm chi ngân sách hàng trăm tỷ đồng; các cơ chế, chính sách đột phá về thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được ban hành và đang tổ chức thực hiện tốt.
Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, tỉnh đã chỉ đạo thành công các cuộc diễn tập, luyện tập khu vực phòng thủ hằng năm, trong đó đặc biệt là cuộc diễn tập khu vực phòng thủ một bên, ba cấp năm 2009, 2016 và năm 2021 làm điểm cho Quân khu và được đánh giá cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.