Danameco (DNM) lao dốc sau dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (Danameco, mã chứng khoán DNM) là doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế duy nhất trên sàn chứng khoán, được hưởng lợi trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, song hiện có lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.
Danameco đã đầu tư quá lớn vào máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ hàng hoá chống dịch Covid-19 Danameco đã đầu tư quá lớn vào máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ hàng hoá chống dịch Covid-19

Năm 2022 lỗ lớn vì đầu tư quá tay

Danameco vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, ghi nhận doanh thu xấp xỉ 318 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2021. Kinh doanh dưới giá vốn (gần 334 tỷ đồng) khiến Công ty lỗ gộp gần 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp 97 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, Danameco lỗ sau thuế hơn 100 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi gần 25 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, doanh nghiệp kinh doanh khẩu trang này thua lỗ kể từ khi niêm yết năm 2011, nhưng cũng đủ để làm “bay” hết vốn điều lệ thực góp. Tính đến 31/12/2022, Danameco có lỗ luỹ kế 78,5 tỷ đồng, cao hơn mức vốn điều lệ là 52,5 tỷ đồng.

Danameco lỗ lớn trong năm 2022 và tiếp tục thua lỗ trong quý đầu năm 2023. Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp khiến cổ phiếu đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Theo lãnh đạo Danameco, năm 2022, do dịch Covid-19 được kiểm soát nên doanh thu cũng như lợi nhuận từ các mặt hàng chống dịch giảm mạnh, trong khi trước đó, Công ty nhập rất nhiều nguyên phụ liệu với giá thành cao, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch. Mặt khác, Công ty vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư, mặc dù không còn tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cuối năm 2022, Danameco có giá trị hàng tồn kho gần 129 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu (60,3 tỷ đồng) và thành phẩm chưa bán được (48,1 tỷ đồng). Trong năm qua, doanh nghiệp ghi nhận giá trị hao mòn luỹ kế đối với tài sản cố định xấp xỉ 77 tỷ đồng.

Nhìn lại giai đoạn 2019 - 2021, Danameco “ăn nên, làm ra”, đặc biệt là năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu và lợi nhuận lập kỷ lục với 700,7 tỷ đồng và 37,1 tỷ đồng, gấp nhiều lần mức trung bình các năm trước dịch.

Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2018, doanh thu của doanh nghiệp chỉ khoảng 200 tỷ đồng, lợi nhuận cao nhất là 18,6 tỷ đồng (năm 2013), thấp nhất là 3,6 tỷ đồng (năm 2011).

Quý I/2023 tiếp tục lỗ

Ngày 26/6 tới, Danameco sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023. Doanh nghiệp đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, dù quý đầu năm tiếp tục thua lỗ.

Nhu cầu các mặt hàng chống dịch Covid-19 đã bão hoà và những khó khăn vẫn còn hiện hữu khiến kết thúc quý đầu năm 2023, doanh thu của Danameco giảm 65% so với cùng kỳ, xuống 50 tỷ đồng và lỗ gần 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 15 tỷ đồng.

Theo đó, ngay cả khi mục tiêu lợi nhuận năm nay đạt được thì vẫn chưa đủ để khoản lỗ luỹ kế thấp hơn vốn điều lệ, nếu Công ty không có kế hoạch tăng vốn trong năm nay và huy động vốn thành công.

Năm ngoái, tại đại hội cổ đông thường niên, Danameco đã xin ý kiến cổ đông và được chấp nhận huỷ bỏ phương án chào bán riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu. Sau đó, ngày 29/9/2022, Công ty nhận được công văn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc tạm dừng hồ sơ chào bán riêng lẻ.

Do lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ thực góp, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới đây ra thông báo về việc cổ phiếu DNM của Danameco có khả năng bị huỷ niêm yết.

Theo quy định, khi bị huỷ niêm yết bắt buộc, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ được giao dịch trên UPCoM trong 2 năm, sau đó tuỳ điều kiện mà có được niêm yết trở lại hay không (điều kiện tiên quyết là 2 năm liền trước thời điểm niêm yết phải có lãi).

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục