Tâm điểm giữa mùa dịch
Những ngày cuối tháng 7/2020, Đà Nẵng trở thành điểm nóng về dịch bệnh khi ba bệnh viện lớn của tỉnh bị phong tỏa và số lượng ca nhiễm Covid-19 từ ổ dịch lên đến con số hàng trăm người. Một điểm nóng khác, không phải trong nền kinh tế thực, mà trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu DNM của Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco (sàn HNX) trở thành một hiện tượng trên sàn, không chỉ thoát được cơn bán tháo của thị trường mà còn tăng giá mạnh mẽ. Giá cổ phiếu DNM tăng từ mức 8.500 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019 lên mức cao nhất 73.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 3/8 và hiện đang giao dịch ở mức giá 48.200 đồng/cổ phiếu.
Danameco tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước có lịch sử hoạt động hơn 40 năm với lĩnh vực kinh doanh chính hiện tại là sản xuất thuốc, hóa dược, vật tư y tế như bông băng gạc, khẩu trang y tế, cấp cứu chấn thương…Sự bùng phát của dich Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nhu cầu các sản phẩm như khẩu trang, trang phục chống dịch... tăng mạnh.
Nếu như doanh thu các năm trước chỉ ở quanh 200 tỷ đồng, cá biệt đạt 356 tỷ đông trong năm 2019 do mở rộng mảng thiết bị y tế, thì ở hai quý gần đây doanh thu lần lượt là 239 tỷ đồng và 208 tỷ đồng.
“Cầu thị trường tăng cao đã mang đến cơ hội tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế như Danameco”, Tổng giám đốc Huỳnh Thị Li Li cũng cho biết thêm.
Trong quý II/2020, Danameco đạt được mức lợi nhuận kỷ lục 21 tỷ đồng, bằng gần một nửa mức vốn điều lệ 43 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý III doanh nghiệp này vừa công bố, lợi nhuận trước thuế riêng quý này đạt gần 6 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số cùng kỳ (70 triệu đồng). Trong 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận của công ty đạt hơn 31 tỷ đồng, cán đích kế hoạch đề ra (30,6 tỷ đồng).
Chiếc áo cũ không còn đủ rộng
Tuy nhiên, để mở rộng hoạt động kinh doanh, Danameco cũng chấp nhận đầu tư lớn. Tổng dự toán đề xuất cho nhu cầu đầu tư năm 2020 là 130 tỷ đồng, gấp gần 10 lần số tiền mà doanh nghiệp này dành để đầu tư năm trước.
Đến cuối quý III, giá trị tài sản cố định sau trích khấu hao của Danameco tăng vọt từ 44,15 tỷ đồng lên 166,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng nguyên giá tài sản cố định mua và thuê tài chính trong 9 tháng đầu năm là 116,7 tỷ đồng và 43,5 tỷ đồng.
Cùng đó, quy mô tồn kho của công ty cũng cao gấp 2,5 lần hồi đầu năm chủ yếu do tích trữ sẵn nguyên vật liệu và cả tồn kho thành phẩm chưa xuất bán. Công nợ phải thu cũng tăng gần gấp đôi lên 164 tỷ đồng. Tổng tài sản đến ngày 30/9 đã vọt lên 490 tỷ đồng, mở rộng gấp 2,3 lần chỉ trong 9 tháng.
Để tài trợ cho hoạt động đầu tư trên, Danameco đến nay vẫn chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ vay ngắn hạn các tổ chức tín dụng. Vốn chủ sở hữu của công ty đã cải thiện rõ rệt nhờ tích lũy được thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, vốn điều lệ của Danameco vẫn chỉ duy trì ở mức 43,2 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Không theo kịp tốc độ tăng của nợ vay, tỷ lệ nợ do đó tăng mạnh từ 59% hồi đầu năm lên 76,3% hiện tại.
Việc đầu tư này làm cho Danameco có sự mất cân đối giữa tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn. “Công ty đã sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư. Nhưng dù vậy, tình hình này đã được lường trước và có cân đối phù hợp lại trong thời gian tới từ các nguồn tài trợ của ngân hàng và tổ chức tài chính…”, lãnh đạo công ty cũng nhấn mạnh. Ngoài ra, một giải pháp khác cũng được công ty đề ra là tăng cường nghiên cứu và mở rộng thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu.