Trên tấm poster tuyển quân đặt tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo là những khuôn mặt trẻ tuổi đầy sinh lực.
Tuy nhiên trên thực tế, tại đất nước đang bước vào cuộc khủng hoàng già hoá dân số, việc thu hút những người trẻ vào con đường binh nghiệp đã trở thành thách thức riêng của cơ quan này.
Khủng hoảng dân số, khủng hoảng quốc phòng
Số dân trong độ tuổi 18-26 ở Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 1994, với 17 triệu người. Từ đó tới nay con số này chỉ còn 11 triệu người và dự đoán tới năm 2050 sẽ chỉ còn 8 triệu người.
"Nhiệt huyết tuổi trẻ là tất cả những gì quân đội cần, và đó cũng chính xác là những gì chúng tôi thiếu", ông Yamaguchi Noburi, trung tướng đã nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), nhận định.
SDF không thành công trong việc đạt chỉ tiêu tuyển quân kể từ năm 2014, và chỉ đạt 72% mục tiêu của năm 2018. Ngân sách của SDF được thiết kết cho 247.000 binh sĩ, nhưng lực lượng này hiện tại chỉ có 227.000 quân nhân.
Mặc dù mức thiếu hụt này chỉ là 8%, nhưng con số đáng báo động nằm ở những sĩ quan cấp thấp, với sự thiếu hụt lên tới 25%.
Lương thấp, điều kiện khắc nghiệt và hình ảnh hạn chế của quân đội trong một quốc gia đề cao hoà bình với tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp, khiến cho việc tuyển quân vốn đã không dễ dàng nay còn trở nên khó khăn hơn với đặc điểm nhân khẩu học hiện tại.
Khu vực tuyển quân của SDF vắng vẻ trong một hội chợ việc làm hồi năm 2018. Ảnh: Reuters.
Theo ông Rober Eldridge, cựu quan chức quân đội Mỹ, tác giả của cuốn sách về đặc điểm nhân khẩu học và lực lượng vũ trang Nhật Bản, nước này nên lo lắng về tháp dân số với phần chóp ở dưới (người già nhiều hơn người trẻ) - ngang với những mối đe dọa khác như chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc hay tên lửa của Triều Tiên.
"Sự thay đổi nhân khẩu học không chỉ là vấn đề kinh tế, đó còn là vấn đề quốc phòng", ông Eldridge nhận định.
Cũng giống như các công ty tư nhân, quân đội Nhật Bản đang thử nghiệm nhiều chiến lược để đối phó với lực lượng lao động đang già đi.
"Cũng như phần còn lại của Nhật Bản, SDF đang cố gắng tìm xem trí thông minh nhân tạo và người máy có thể làm gì cho họ", bà Sheila Smith đến từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện chính sách ở Washington, nhận định.
Robot, phụ nữ và những binh sĩ lớn tuổi
Chính phủ Nhật Bản đã công bố kể hoạch mua và phát triển các loại tàu chiến và tàu ngầm không người lái.
Mặc dù những thiết bị này sẽ phục vụ mục đích giám sát, nhưng "bước tiếp theo là năng lực tấn công", theo ông Nagashima Akihisa, nghị sĩ quốc hội và cựu thứ trưởng quốc phòng.
Nhưng việc thuyết phục các chính trị gia phê duyệt việc phát triển và triển khai vũ khí tấn công là không dễ dàng với một đất nước mà hiến pháp ghi rõ: "Người dân Nhật mãi mãi từ bỏ chiến tranh".
Mặt khác, công nghệ cũng không phải là câu trả lời cho sự thiếu hụt nhân sự, theo ông Koda Yoji, phó đô đốc đã về hưu. Thiết bị không người lái và người máy thì vẫn cần người thật điều khiển cũng như các kỹ sư để vận hành, và SDF vốn đang gặp khó khăn trong việc thu hút những người như vậy. Một đơn vị phòng thủ trên mạng được thành lập vào năm 2014 tới nay mới chỉ có 220 sĩ quan.
Một hướng đi khác là mở rộng cánh cửa vào binh nghiệp với nửa còn lại của dân số. Nữ quân nhân từng bị giới hạn trong các vai trò không tham chiến như điều dưỡng hay quản trị, nhưng trong những năm gần đây, bộ chỉ huy SDF đã cho phép họ tham gia lái máy bay chiến đấu và xe tăng, và nhiều khả năng họ sẽ sớm được điều động vào tàu ngầm.
Tại Bộ Quốc phòng, các quan chức cố gắng làm cho quân đội thân thiện hơn với phụ nữ, trong đó có việc hỗ trợ trông con tại nơi làm việc. Tuy nhiên tiến bộ là rất chậm chạp: phụ nữ chỉ chiếm 7% lực lượng vũ trang Nhật Bản năm 2018, thấp hơn so với mức trung bình 11% của các nước NATO.
Trung uý Misashi Matsushima, nữ phi công điều khiển máy bay chiến đấu đầu tiên của Nhật Bản. Ảnh: SDF.
Mục tiêu của chính phủ cũng rất khiêm tốn: nâng tỷ lệ này lên 9% vào năm 2030. Học viện Quốc phòng Nhật Bản trong khi đó đặt trần cho việc tuyển sinh nữ giới ở mức 15%.
Thêm vào đó, cũng như nhiều lĩnh vực khác của xã hội Nhật Bản, sự phân biệt giới tính vẫn chiếm ưu thế trong quân ngũ, theo ông Sato Fumika đến từ Đại học Hitotsubashi.
Trong tờ rơi tuyển quân của SDF, các trang tập trung vào phụ nữ được in trên nền màu hồng.
Cách cuối cùng để đảm bảo quân số đơn giản là cho phép người lớn tuổi hơn được tham gia SDF. Hồi năm 2018, SDF nâng mức quy định độ tuổi tối đa cho tân binh từ 26 lên 32, và đây là sự gia tăng đầu tiên kể từ năm 1990.
Năm nay, tuổi về hưu của các sĩ quan cấp cao cũng sẽ được tăng dần lên. Sĩ quan lớn tuổi có thể tập trung vào bảo dưỡng, hậu cần và huấn luyện, cho phép các sĩ quan trẻ tuổi tập trung vào nhiệm vụ tham chiến.
Theo đại tá Kagoshima Hiroshi, người làm việc cho đơn vị tuyển quân của SDF, các sĩ quan lớn tuổi nhiều kinh nghiệm cũng có thể sẽ là lợi thế trong chiến tranh hiện đại, khi sức mạnh thể chất không còn đóng vai trò quan trọng.