Mua NƠXH, “sống với lũ”
Rất nhiều người dân khu đô thị (KĐT) Đặng Xá (huyện Gia Lâm), bày tỏ lo lắng, bất bình về tình trạng xuống cấp, hư hỏng tại nhiều hạng mục. Cụ thể ở các toà nhà D5, D6, D7 và D9 trên các mảng tường đều xuất hiện những vết nứt, những vệt ố, loang. Ông Nguyễn Văn Kiệm, phòng 604 chung cư D9 bức xúc: Các hộ dân ở đây đặc biệt lo lắng về chất lượng ở toà D9, cột nhà, tường xuất hiện nhiều vết nứt dài. Thấm dột thường xuyên từ hành lang vào tận cửa nhà.
Ông Kiệm dẫn phóng viên đến các tòa D5, D6 cạnh đó để chứng kiến tình trạng “chắp vá”: Trần thạch cao sảnh tầng 1 bị thủng lỗ chỗ, mái hiên bị lột mái, cửa sổ khung rời hẳn với bản lề… Đáng nói, tất cả đều chưa được ban quản lý toà nhà sửa chữa hoặc nếu có thì chỉ vá víu. “Như mái hiên toà nhà này đã bị lột từ cơn bão số 1, nhưng đến nay vẫn chưa được thay. Người ra vào sảnh gặp mưa cũng ướt sũng, sàn thì trơn ướt khiến người dân ngã liên tục”, ông Kiệm nói.
Cùng bức xúc với ông Kiệm, ông Bùi Thăng Long, Trưởng Ban quản trị (BQT) tòa nhà D9 Đặng Xá cho biết, BQT đã được thành lập từ tháng 5/2014 tuy nhiên, gần như không hoạt động. Đến nay, nhiều người trong BQT đã nộp đơn xin rút vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, 3 cuộc họp gần đây đều “vỡ trận” do không đạt được đồng thuận, BQT chưa được lập, không ai đứng lên bảo vệ quyền lợi của dân.
Tình trạng mới nhận nhà đã lo sửa nhà còn diễn ra ở nhiều khu NƠXH khác. Như tại tòa nhà NO12-03 KĐT Sài Đồng, quận Long Biên, chủ căn hộ 202 cho biết, vào ở mới được 1 tháng, căn hộ đã gặp sự cố trào ngược chất thải lên ban công. Khi ở được hơn 1 năm, các phòng ngủ cạnh phòng vệ sinh bị nước thấm tường loang lổ. Tuy chủ đầu tư đã khắc phục xong sự cố tại 17 hộ gia đình gặp sự cố nhưng cư dân tại đây không khỏi lo lắng về chất lượng công trình.
“Chung cư vẫn đang trong thời gian bảo hành mà đã thấm dột thì khó chấp nhận”, một hộ dân tại tầng 2 cho hay. Tình trạng nhà xập xệ, chất lượng kém cũng diễn ra tại khu NƠXH Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tình trạng thấm dột liên miên do cơn bão số 3 vừa qua. Đáng nói, các hộ dân mới chỉ nhận nhà hơn 2 tháng, chủ đầu tư đã sửa chữa nhưng vẫn không có kết quả khả quan. Các hộ dân cho rằng: Do chủ đầu tư “ẩu” ngay khi giám sát xây dựng công trình, chất lượng kém thì không thể sửa dứt điểm được.
“Đá bóng” trách nhiệm?
Để mua được NƠXH, người dân nghèo phải vượt qua rất nhiều thủ tục, quy trình xét duyệt. Tuy nhiên, thực tế khiến người dân phải đặt câu hỏi: Tiền nào của ấy?
Ông Phạm Hồng Hiệp, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành KĐT Đặng Xá thừa nhận: Đơn vị có trách nhiệm bảo hành toà nhà về kết cấu trong 36 tháng nên những vấn đề khung, tường nứt dột, trần thạch cao bong tróc… là trách nhiệm của đơn vị. “Chung tôi đã tổ chức kết hợp với các đơn vị nhà thầu rà soát và tiến hành duy tu bảo dưỡng cho dân. Hầu hết các vết nứt là từ tường xây bao che, chứ không ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình”. ông Hiệp nói và cho biết, dù đã lập tổ sửa chữa riêng nhưng do công việc quá nhiều nên xí nghiệp chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Tất cả hư hỏng đều đã được thống kê, xí nghiệp tiến hành sửa chữa dần dần…
Đối với phần sửa chữa những thiết bị như: Thang máy, đèn điện, cửa sổ…, ông Hiệp cho biết, đây là trách nhiệm của BQT toà nhà, BQT phải trích từ quỹ bảo trì 2% để duy trì, bảo dưỡng các hạng mục này. Tuy nhiên, BQT dù đã được lập ra nhưng gần như không hoạt động, do đó xí nghiệp chưa thể bàn giao quỹ bảo trì cho BQT. Đại diện chủ đầu tư cho rằng, việc không thể kiện toàn được BQT một phần do lỗi của xã Đặng Xá và huyện Gia Lâm. Địa phương không có động thái gì để kiện toàn BQT, đại diện cho tiếng nói người dân.
Trao đổi với phóng viên ngày 24/8, đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm cho biết, đã nhận được đơn thư của các hộ dân trong KĐT Đặng Xá. Vị này cho biết, trong tuần sẽ tiến hành kiểm tra tại KĐT này, nếu hiện tượng phản ánh là đúng thì trách nhiệm sửa chữa hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư.