Tại kỳ họp này của Quốc hội, Dự thảo Luật Doanh nghiệp được đưa ra nghị trường rất sớm. Và vẫn như nhiều phiên thảo luận trước đó, người khẳng định đưa hộ kinh doanh vào luật có thể gây khó khăn cho họ, vị khác lo nếu chờ luật riêng thì 2, 3 năm nữa họ biết trông cậy vào đâu, quan điểm nào cũng được bảo vệ một cách mạnh mẽ.
Theo thông lệ, vấn đề nào còn ý kiến khác nhau thì sẽ được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội qua phiếu.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến 11h30 ngày 25/5/2020, trong 433 vị hồi âm, 174 người đồng ý quy định một chương về hộ kinh doanh trong Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) như đề xuất từ Chính phủ.
258 người chọn phương án xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh (đây cũng là quan điểm của cơ quan thẩm tra - PV). Có 1 vị không thể hiện chính kiến.
Không chỉ chọn phương án mà một số vị đại biểu còn góp ý hoàn thiện dự thảo luật ngay tại phiếu xin ý kiến. Theo đó, có vị lưu ý, khi sửa đổi Luật Cư trú sẽ bỏ hộ khẩu, do đó sẽ không còn là hộ kinh doanh, nên thiết kế theo hướng cá nhân kinh doanh thay cho hộ kinh doanh.
Vị khác đề nghị quy định về điều kiện đăng ký hộ kinh doanh chỉ có tối đa là 5 lao động thay vì 9 lao động như quy định của Luật hiện hành. Vì thực tế, có nhiều hộ kinh doanh có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn, nhưng vẫn đăng ký hộ kinh doanh, như vậy là không công bằng trong hoạt động kinh doanh (hộ kinh doanh chỉ thực hiện thuế khoán, còn doanh nghiệp thì phải kê khai thuế...).
Ý kiến khác phân tích, bản chất của doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh, do có sự nhầm lẫn, đồng nhất “doanh nghiệp” với “công ty” mới có quan điểm phải có quy mô mới là “doanh nghiệp”. Quan niệm như vậy là không đúng bản chất của doanh nghiệp. Trong hệ thống các doanh nghiệp, có các loại: Công ty (trong đó có công ty cổ phần - share holding Company, công ty TNHH - Limitted Company, công ty hợp danh - partnership); cá nhân kinh doanh.
Bất luận kinh doanh theo loại hình nào cũng đều là doanh nghiệp, tức là lấy kinh doanh làm nghề mưu sinh, kiếm lợi nhuận... Vì vậy, đưa “hộ kinh doanh” vào điều chỉnh trong luật sẽ có cơ sở hỗ trợ các chủ thể kinh doanh, mặt khác góp phần quản lý nhà nước. Do đó, phát triển thành một chương hoàn thiện trong dự thảo Luật là phù hợp; sau khi tổng kết luật, có thể làm luật riêng.
Góp ý của vị khác là cần làm rõ quy định hộ kinh doanh nào bắt buộc phải đăng ký. Hiện nay, Dự thảo Luật quy định chưa rõ, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.
Làm luật riêng cho hộ kinh doanh, nhưng cần tiến hành sớm nhất, cần đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2020 hoặc năm 2021 cũng là quan điểm của đại biểu tại phiếu xin ý kiến.
Ý kiến chưa nhất thiết đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp
Khẳng định việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết, song đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn, bởi đối tượng điều chỉnh có số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5 đến 6 lần số lượng doanh nghiệp.
Mặt khác, về bản chất hoạt động, cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với doanh nghiệp. So với các chủ thể khác của luật thì hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh hạn chế, hoạt động trong phạm vi ngành, nghề kinh doanh nhỏ bé. Việc luật hóa hộ kinh doanh chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại.
Quy định hiện hành khiến hộ kinh doanh ngần ngại
Đồng ý đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh đây là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm bình đẳng giữa các loại hình, chể thể kinh doanh hiện nay.
Theo đại biểu, các Luật Doanh nghiệp trước đã đề cập tới hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Sửa đổi lần này chỉ là bước tiếp tục cụ thể hóa, bổ sung, hoàn thiện các quy định cần thiết để chính danh hóa, luật hóa một số nội dung hỗ trợ, bảo vệ khu vực kinh tế rộng lớn có tới 5 triệu hộ, hàng chục triệu lao động, chiếm tới 30% GDP của đất nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, dự thảo cần đưa ra được nhiều những chính sách, những quy định để hướng tới sự cởi mở, thuận lợi hơn trong quản lý đối với hộ kinh doanh, tạo bình đẳng hơn giữa hộ với doanh nghiệp như xã hội đang kỳ vọng, chưa có chính sách mạnh để khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Những quy định, những chính sách hiện hành, nhất là về thuế, kế toán, đất đai, lao động vẫn khiến hộ kinh doanh ngần ngại khi chuyển đổi từ mô hình hộ cá thể sang mô hình doanh nghiệp.