Dẫn lối “đại bàng” bay đến Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai một cơ chế khuyến khích mang tính đột phá mới, nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao trên thế giới đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao trên thế giới Việt Nam đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao trên thế giới

Ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam triển khai một cơ chế khuyến khích mang tính đột phá mới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Sáng kiến chiến lược này nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên tiến.

Nghị định 182/2024/NĐ-CP thiết lập khuôn khổ cho Quỹ hỗ trợ đầu tư, cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư đủ điều kiện tại Việt Nam. Các tiêu chí đủ điều kiện của dự án đã được xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế.

Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập và Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ vận hành, với nguồn tài chính của Quỹ được cấp từ ngân sách nhà nước.

Có 2 loại hình hỗ trợ chính được hỗ trợ bởi Quỹ, bao gồm hỗ trợ chi phí hàng năm và hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu. Đối với loại hình hỗ trợ thứ nhất, Quỹ hướng đến cung cấp hỗ trợ tài chính hàng năm cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu & phát triển, trong khi loại hình hỗ trợ thứ hai sẽ dành cho các doanh nghiệp có Trung tâm nghiên cứu & phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Việc xác định đối tượng đủ điều kiện có thể phụ thuộc vào tổng quy mô vốn đầu tư hoặc doanh thu hàng năm được tạo ra từ dự án, với các điều kiện bổ sung được yêu cầu theo từng trường hợp cụ thể.

Một số loại chi phí hàng năm thuộc loại hình phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh đủ điều kiện được hỗ trợ từ Quỹ như: chi phí nghiên cứu phát triển, chi phí đầu tư tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao..., nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định. Mức hỗ trợ có thể khác nhau tùy thuộc vào đối tượng áp dụng và loại chi phí được hỗ trợ.

Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư có hiệu lực từ năm tài chính 2024 và mốc thời gian cụ thể để nộp hồ sơ xin hỗ trợ hàng năm là trước ngày 10/7 của năm sau năm tài chính được hỗ trợ

Với Nghị định có hiệu lực từ năm tài chính 2024, các doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai quá trình đánh giá và thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để đảm bảo được hưởng hỗ trợ từ Quỹ, cũng như sẵn sàng nộp hồ sơ xin hỗ trợ lần đầu tiên vào tháng 7/2025.

Theo đó, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, xác định các vấn đề cần cải thiện và triển khai hành động: Đánh giá khả năng doanh nghiệp thỏa mãn được các yêu cầu để áp dụng chính sách ưu đãi mới; xác định bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến việc đủ điều kiện, chẳng hạn như không có các giấy chứng nhận theo yêu cầu. Chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp thực hiện các biện pháp chủ động, chẳng hạn như xin Giấy chứng nhận công nghệ cao nếu phù hợp, nhằm đảm bảo tính tuân thủ để sẵn sàng áp dụng ưu đãi.

Thứ hai, xem xét kỹ lưỡng khả năng áp dụng các chính sách của Quỹ: Tiến hành phân tích chuyên sâu về chính sách Quỹ hỗ trợ đầu tư mới; đánh giá các tiêu chí và điều kiện để xác định các cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ chính sách mới.

Thứ ba, yêu cầu các khoản hỗ trợ: Khi đủ điều kiện, doanh nghiệp thực hiện chuẩn bị và nộp hồ sơ đơn xin hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Bùi Tuấn Minh
Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế và pháp lý, Deloitte Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục