Đàm phán về khoáng sản đất hiếm thúc đẩy đối thoại chính trị Nga - Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
Moskva và Washington đang cân nhắc hợp tác khai thác khoáng sản đất hiếm, mở ra cơ hội cải thiện quan hệ hai nước. Liệu thỏa thuận này có thể giúp giảm căng thẳng chính trị?
 Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: AA/TTXVN Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: AA/TTXVN

Mỹ và Nga đang có những động thái cho thấy khả năng hợp tác trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đất hiếm, một diễn biến được kỳ vọng có thể tạo động lực mới cho mối quan hệ chính trị vốn nhiều căng thẳng giữa hai cường quốc, báo Izvestia (Nga) ngày 31/3 đưa tin.

Theo tiết lộ của ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), các cuộc thảo luận sơ bộ về các dự án liên quan đến khoáng sản đất hiếm của Nga đã được khởi động giữa Moskva và Washington. Trả lời phỏng vấn với Izvestia, ông Dmitriev cho biết các công ty của Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào những thỏa thuận tiềm năng trong lĩnh vực này. Đáng chú ý, thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Nga và Mỹ đang tiến hành các cuộc tham vấn về hợp tác kinh tế, dự kiến vòng tiếp theo sẽ diễn ra vào giữa tháng 4 tới.

Sự quan tâm của Mỹ đối với nguồn tài nguyên đất hiếm của Nga không phải là điều mới mẻ. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng công khai tuyên bố Washington đặc biệt chú trọng đến các nguyên tố đất hiếm và các nguồn tài nguyên khác của Nga. Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã khẳng định Moskva sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong việc khai thác loại khoáng sản chiến lược này.

Chuyên gia công nghiệp Leonid Khazanov nhận định, Nga và Mỹ thực sự có tiềm năng to lớn trong việc hợp tác khai thác và chế biến khoáng sản đất hiếm. Ông chỉ ra rằng, trong bối cảnh quan hệ chính trị giữa hai nước có dấu hiệu "tan băng" nhất định, một yếu tố quan trọng cần lưu ý là Mỹ hiện đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu các vật liệu này. Điều đó cho thấy sự hợp tác trong lĩnh vực đất hiếm có thể mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Khazanov, con đường hợp tác này vẫn còn nhiều thách thức. Thứ nhất, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga vẫn đang có hiệu lực, và Mỹ cũng tiếp tục duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine. Đây có thể là những rào cản lớn đối với các công ty Mỹ muốn đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản ở Nga.

Thứ hai, để hiện thực hóa các thỏa thuận, Washington sẽ cần phải cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào các mỏ khoáng sản của Nga. Cuối cùng, các dự án khai thác và chế biến đất hiếm thường rất phức tạp, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian triển khai kéo dài. Ông Khazanov lưu ý thêm rằng, các mỏ đất hiếm thường nằm ở những khu vực xa xôi, đồng nghĩa với việc cần phải đầu tư đáng kể vào việc xây dựng cơ sở sản xuất và hệ thống hỗ trợ hạ tầng.

Mặc dù vậy, sự quan tâm chung của cả hai bên trong việc hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khoáng sản đất hiếm, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố đối thoại chính trị giữa Nga và Mỹ. Theo thông tin từ kênh NBC News, Tổng thống Trump được cho là có kế hoạch sẽ sớm có một cuộc điện đàm khác với Tổng thống Putin. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cũng đưa tin về khả năng vòng tham vấn tiếp theo giữa Nga và Mỹ về vấn đề giải quyết xung đột ở Ukraine có thể sẽ được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào giữa tháng 4.

Những diễn biến này cho thấy, dù quan hệ chính trị vẫn còn nhiều phức tạp, việc đàm phán và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là với tiềm năng từ khoáng sản đất hiếm, có thể trở thành một kênh quan trọng để duy trì và thúc đẩy đối thoại giữa Nga và Mỹ. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có thể góp phần xây dựng lòng tin và tạo tiền đề cho những tiến triển tích cực hơn trong các vấn đề chính trị khác.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục