Chất lượng và hiệu quả
Năm 2008, Nhà máy Ðạm Cà Mau, dự án trọng điểm quốc gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chính thức được khởi công và hoàn thành sau 3 năm xây dựng. Năm 2011, PVCFC được hình thành nhằm quản lý, vận hành Nhà máy trong thời điểm thị trường phân bón trong nước và khu vực đang đứng trước những nguy cơ và thách thức rất lớn, nhu cầu phân đạm của cả nước lên đến trên 2 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng hơn 50%.
Tại khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, do chưa có nhà máy sản xuất phân đạm nên phải phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu với chi phí cao. Mỗi khi vào mùa vụ, giá phân bón thường tăng đột biến làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân và là nỗi lo lắng của các nhà quản lý nông nghiệp.
Sau 8 năm, từ chỗ thương hiệu và sản phẩm chỉ hiện diện ở thị trường chính là Ðồng bằng Sông Cửu Long và Ðông Nam Bộ, đến nay, thương hiệu Ðạm Cà Mau đã mở rộng, phát triển ra toàn quốc và vươn ra thị trường láng giềng, hiện chiếm tới 35% thị phần tại Campuchia và luôn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và dịch vụ.
Nhìn nhận một cách sòng phẳng, Ðạm Cà Mau là dự án hiệu quả của PVN. 8 năm qua, Công ty đã sản xuất được gần 6 triệu tấn urea (quy đổi), đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ðặc biệt, với sản lượng chiếm gần 40% thị trường phân bón cả nước, hoạt động ổn định của PVCFC có ý nghĩa rất lớn với ngành nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia.
Như thời điểm hiện tại, một số nhà máy đạm trong nước sản xuất không ổn định hoặc phải dừng sản xuất, song thị trường phân đạm trong nước ít bị ảnh hưởng, một phần nhờ nỗ lực của Ðạm Cà Mau đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sản xuất ổn định, duy trì nguồn cung ra thị trường.
Ðiểm sáng nổi bật của PVCFC là luôn vận hành nhà máy hiệu quả, an toàn, ổn định ở công suất cao, khoảng 103% so với thiết kế, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa sản xuất. Ðặc biệt, ứng dụng công nghệ đã được triển khai mạnh mẽ trong công tác sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp chủ động kiểm soát các bộ định mức kinh tế kỹ thuật vận hành và khai thác tại Nhà máy, tiêu hao năng lượng, hóa chất, vật tư đều thấp hơn so với định mức.
Bên cạnh sản phẩm urea truyền thống, từ hoạt động R&D, PVCFC đã triển khai sản xuất nhiều sản phẩm mới được thị trường đón nhận và đánh giá cao như N.46 Plus, N.Humate+TE…
Công ty đã triển khai Dự án sản xuất phân bón phức hợp NPK cao cấp với công suất 300.000 tấn/năm. Dự án được khởi công từ quý III/2017, dự kiến đi vào vận hành quý II năm nay. Ðây là dự án được đánh giá có thể đem lại sự đột phá cho Công ty, bởi nhu cầu NPK trong nước đang rất lớn khoảng hơn 4 triệu tấn. Trong chiến lược kinh doanh dài hạn, Ðạm Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển cho ra đời các dòng sản phẩm mới nhằm cụ thể hóa chiến lược đa dạng hóa sản phẩm chất lượng cao.
Nỗ lực ứng phó với thách thức mới
Ðổi mới, sáng tạo trong quản trị trên nền tảng phát huy nội lực đã tạo ra năng lực cạnh tranh tốt cho Ðạm Cà Mau, giúp Công ty duy trì hiệu quả sản xuất - kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, hoạt động của Công ty không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt trong năm 2019 này, theo dự báo sẽ có nhiều thách thức.
Cụ thể, Công ty sẽ phải đối mặt với khó khăn về đầu vào như nguồn khí giảm, giá khí đầu vào tăng. Trong khi đó, ở đầu ra, nhu cầu phân bón giảm do diện tích cây trồng cả nước sụt giảm, hạn hán ở một số địa phương, trong khi đó, thị trường phân bón cung đang vượt cầu, dẫn tới áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong bối cảnh chờ giá khí được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền, Ðạm Cà Mau vẫn nỗ lực vận hành Nhà máy hiệu quả, an toàn, ổn định tối ưu công suất trong điều kiện cảnh báo thiếu khí. Ðặc biệt, trong quý I, với mục tiêu tối ưu hóa tiết kiệm năng lượng, tìm kiếm nguồn khí bổ sung, Ðạm Cà Mau đã thực hiện nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống thu hồi khí xả bỏ từ GPP (Permeate Gas), bổ sung thêm khoảng 1.800 GJ/ngày tương đương 2,5% công suất. Dự án giúp thu hồi được 50 tỷ đồng khí xả bỏ mỗi năm, đánh dấu sự nỗ lực không ngừng trong phong trào sáng kiến, cải tiến của Ðạm Cà Mau trước bối cảnh nguồn khí PM3-CAA ngày càng suy giảm.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt ứng phó với môi trường kinh doanh có nhiều biến động, kết quả kinh doanh quý I của Ðạm Cà Mau tiếp tục ghi nhận các con số tích cực. Báo cáo tình hình sản xuất - kinh doanh quý I của Công ty cho thấy, các chỉ tiêu tài chính của Ðạm Cà Mau đều vượt kế hoạch. Sản lượng sản xuất ghi nhận được 220 nghìn tấn, đạt 110% so với kế hoạch quý I/2019, đạt 28% kế hoạch năm 2019, tăng trưởng 13% so cùng kỳ năm 2018. Tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt 190 nghìn tấn, đạt 114% so với kế hoạch quý I/2019, đạt 23% kế hoạch năm 2019, đạt 97% so cùng kỳ năm 2018. Quý I, Công ty đạt doanh thu 1.496 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 116 tỷ đồng (dựa trên giá khí đầu vào tạm tính).
Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Ðạm Cà Mau chia sẻ: “Trong điều kiện kinh doanh hết sức khó khăn hiện nay cộng với nguồn khí không ổn định, giá khí đầu vào vẫn còn là ẩn số, nhưng với quyết tâm của Ban điều hành, sự trưởng thành và đoàn kết của đội ngũ, tư duy hợp tác cùng có lợi với khách hàng, Ðạm Cà Mau sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch trong quý II; khắc phục những điểm chưa tốt; phát huy những việc đang triển khai tốt, đồng thời khẩn trương xử lý những công việc còn tồn đọng để hoàn thành mục tiêu chung”.
Cầu thị và liên tục học hỏi, đổi mới, áp dụng các công cụ, phương thức quản trị hiện đại, Ðạm Cà Mau đang không ngừng xây dựng nội lực mạnh mẽ để chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức mới. Những thành công và nền tảng đã tạo lập được sẽ là cơ sở để Công ty thêm vững tin bước tiếp trên con đường đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.