Số hóa đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức với các quốc gia trên toàn thế giới. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm số hóa trong việc phát triển các dịch vụ công, quản lý, vận hành đô thị của Thụy Điển?
Đầu tiên, tôi muốn chia sẻ rằng, điều quan trọng là phải có tâm thế đón nhận nó.
Ở khu vực Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng, người dân luôn mong muốn thay đổi và dám chấp nhận thách thức từ điều đó. Thật ra, việc sẵn sàng thay đổi để đưa các ý tưởng mới vào cuộc sống đã có truyền thống từ hàng trăm năm nay. Người dân chúng tôi luôn cởi mở và tìm kiếm những ý tưởng mới, sáng tạo từ bên ngoài để đưa vào cuộc sống. Ở Thụy Điển, mỗi người dân, doanh nghiệp đều mong muốn được tìm hiểu công nghệ, đổi mới và áp dụng nó.
Chúng tôi luôn mang tâm thế chào đón những thay đổi, đổi mới, sáng tạo. Từ phía Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người dân đều hiểu được việc này sẽ giúp chúng tôi luôn ở trong nhóm có vị trí cạnh tranh, có thể đưa được những công nghệ, giải pháp mới nhất vào trong cuộc sống cũng như định hướng phát triển kinh tế, xã hội.
Vậy, quá trình số hóa diễn ra như thế nào?
Quá trình số hóa ở Thụy Điển diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên. Như cá nhân tôi sinh năm 1967. Và vào những năm đầu của thập niên 80, khi chúng tôi đi học thì học sinh, sinh viên đều được trang bị máy tính. Việc tiếp cận, học công nghệ từ sớm, giúp chúng tôi được trang bị những kiến thức cần thiết, làm quen với công nghệ, với các công cụ hiện đại.
Vai trò của số hóa ở Thụy Điển được thể hiện ra sao, thưa ông?
Giờ đây, số hóa là một phần tất yếu trong cuộc sống, dịch vụ công của chúng tôi. Các giải pháp về số hóa giúp chúng tôi phát triển nhanh hơn, thành công hơn, thông minh hơn và hướng tới một xã hội kết nối một cách tốt hơn.
Ở một xã hội như vậy, nó sẽ giúp nâng cao được tính minh bạch của toàn bộ hệ thống công quyền, phòng ngừa tham nhũng. Thực tế cho thấy, khi minh bạch tăng lên thì tỷ lệ tham nhũng sẽ giảm xuống và nâng cao được khả năng chịu trách nhiệm của các cơ quan công quyền, các cá nhân.
Như các bạn đã biết, Thụy Điển là quốc gia mà người dân đóng thuế với một tỷ lệ cao. Câu hỏi đặt ra là tại sao mọi người lại sẵn lòng đóng thuế cao như vậy.
Câu trả lời cũng rất đơn giản. Thứ nhất, mỗi người dân biết được rằng họ sẽ được hưởng từ thuế đó và hệ thống đó là minh bạch, tất cả mọi người đều có nghĩa vụ thuế giống nhau, không ai có thể trốn thuế. Hệ thống này tạo nên lòng tin nơi người dân. Tôi và những người khác đều biết được rằng, tất cả mọi người đều phải trả thuế công bằng giống nhau, công khai, không hề có rủi ro là tôi trả nhiều hơn người khác hay ai đó có thể trốn thuế.
Ông thấy vấn đề nào đang là rào cản với Việt Nam?
Với kinh nghiệm của Thụy Điển là chúng tôi đã chuyển rất nhanh từ một xã hội dùng tiền mặt rất nhiều sang một xã hội không dùng tiền mặt. Tức là tất cả các giao dịch đều dùng qua thẻ, qua những thanh toán điện tử, giúp việc nâng cao minh bạch và giảm thiểu rủi ro, tham nhũng.
Vậy còn lời khuyên cho Việt Nam?
Thật khó để đưa ra lời khuyên cho các bạn, vì hai nước có nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ở Việt Nam, các bạn vẫn đang sử dụng tiền mặt nhiều, đây cũng là một cản trở, một cái khó cho công tác quản lý, thuế và vấn đề số hóa.
Chúng ta cần thúc đẩy để quá trình chuyển đổi từ dùng tiền mặt sang dùng thẻ, thanh toán điện tử diễn ra nhanh hơn.
Cũng cần nói thêm rằng, việc chúng ta có một ý định, ý chí mạnh mẽ để tạo ra một hệ thống công khai mình bạch là rất quan trọng. Và nếu chúng ta có mong muốn thiết kế được một hệ thống như vậy, bản thân nó đã là rất thành công về mặt ý tưởng.