Đại sứ quán 4 nước Bắc Âu chia sẻ về mô hình kinh doanh để phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tọa đàm “Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) - Mô hình kinh doanh để phát triển bền vững” do Đại sứ quán bốn nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển) và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức đã diễn ra chiều ngày 23/3.
Đại sứ quán 4 nước Bắc Âu chia sẻ về mô hình kinh doanh để phát triển bền vững

Sự kiện có sự tham gia của các đại biểu đại diện cho các bộ, cơ quan Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nhiều chuyên gia đến từ Bắc Âu, gồm có khu vực công và tư, các nhà nghiên cứu, học giả, đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và các làm cụ thể trong việc tiếp cận ESG. Các đại diện đều nhấn mạnh lợi ích của ESG trong các chủ đề quan trọng như kinh doanh bền vững-có trách nhiệm, đánh giá mức độ tổn thương với biến đổi khí hậu, đối thoại xã hội, phòng chống tham nhũng, quan hệ đối tác công tư.

Tuy ESG được phát triển dành cho khu vực tư nhân, cách tiếp cận này đề cập đến nhiều vấn đề sẽ được giải quyết hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác giữa các khu vực công tư. Đảm bảo sử dụng bền vững năng lượng và tài nguyên, xây dựng các chính sách an sinh xã hội cũng như phòng chống tham nhũng là những nhiệm vụ mà các chủ thể nhà nước và tư nhân đều có vai trò thiết yếu.

Về bản chất, đây đều là những thách thức toàn cầu mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt - trong đó có Việt Nam. Đối với thị trường lao động, trước làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam năm 2021, các ngành sản xuất/xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ... tiếp tục chịu thách thức thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như bộc lộ những lỗ hổng kinh tế và xã hội đối với cả doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, việc củng cố hệ thống pháp luật thông qua luật lao động sửa đổi và cam kết phê chuẩn tất cả các công ước cốt lõi của ILO, cũng như triển khai các cam kết đầy tham vọng sau Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) tại Glasgow vào tháng 11/2021, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050 và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, cách tiếp cận ESG hứa hẹn sẽ đưa ra câu trả lời cho những thách thức chung cho cả khu vực công và tư nhân.

Đại sứ các nước Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tại Việt Nam đều cho rằng, về mặt tổng quan, ESG là việc xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình ra quyết định đầu tư. Cụm từ này thường được sử dụng thay thế cho đầu tư bền vững, đầu tư có trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Những nguyên tắc này cũng có thể áp dụng trong khu vực công của chính phủ do đóng góp quan trọng của khu vực này vào sự phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch Covid-19.

Cũng cần lưu ý rằng, FDI chất lượng cao sẽ tìm kiếm các nền kinh tế đang phát triển chú trọng tuân thủ các nguyên tắc ESG. Hơn nữa, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa , quyền và vai trò của người tiêu dùng ngày càng quan trọng và người tiêu dùng ngày nay yêu cầu khắt khe việc sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia coi trọng ESG.

PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Các nước Bắc Âu không chỉ được đánh giá cao về mô hình phát triển kinh tế - xã hội mà được thế giới biết đến với nhiều thành tựu khác như các quốc gia có “chỉ số hạnh phúc” đứng đầu thế giới, danh hiệu “thủ đô xanh nhất châu Âu”, đứng đầu bảng xếp hạng về SDG (chỉ số về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cũng là các nước đứng đầu về chỉ số ESG".

Kinh nghiệm lãnh đạo, quản trị và phát triển của các nước Bắc Âu trên lĩnh vực này rất hữu ích cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Do đó, Toạ đàm sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực lãnh đạo, quản trị quốc gia và địa phương về ESG nói riêng, phát triển nhanh bền vững đất nước nói chung theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết và Chương trình hành động của Quốc hội và Chính phủ.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục