Bài 4: Đại lộ Võ Văn Kiệt - con đường chiến lược của TP.HCM
Tuyến đường xây nên những giấc mơ
Trải qua hơn 4 năm xây dựng, ngày 2/9/2009, Đại lộ Võ Văn Kiệt đã thông xe với tổng chiều dài là 13,428 km (bắt đầu từ nút giao Tân Kiên, Bình Chánh, đến điểm giao giữa đường Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1).
Được biết, chính quyền TP.HCM lúc bấy giờ “nhấn” rất rõ 4 yếu tố khi tuyến đường này hình thành, đó là con đường sẽ đi qua 4 khu vực đô thị với những đặc thù riêng. Ðầu tiên là Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở quận 2, kế đến là trung tâm hành chính, văn phòng nằm ở quận 1. Ðiểm đến tiếp theo là trung tâm buôn bán, kinh doanh ở quận 5 và cuối cùng là vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” ở quận 6 và quận 8.
Đúng như những gì mà lãnh đạo TP.HCM nhận định, ngay sau khi hoàn thành, tuyến đường này đã phát huy tác dụng và hiện nay vẫn đang là trục đường chính nối từ khu Đông TP.HCM thông qua quận 1, quận 5, quận 6 về quận Bình Tân về Quốc lộ 1A thông thẳng tới trục kinh tế phía Tây TP.HCM.
Đặc biệt hơn nữa, trước khi được xây mới, tuyến đường này được cho là tuyến đường di sản của Thành phố khi có tuyến kênh Tàu Hũ và Bến Nghé, nơi giao thương đường sông của người Hoa trước kia buôn bán tại TP.HCM.
Không chỉ là cơ sở hạ tầng quan trọng tạo nền tảng định hướng phát triển về hướng Ðông và hướng Nam của TP.HCM, Đại lộ Võ Văn Kiệt còn có vai trò lớn trong cải tạo môi trường ven kênh, thay đổi diện mạo Thành phố khi làm “biến mất” hơn 10.000 nhà, “chòi” ổ chuột ở hai bên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Kéo theo đó là sự “đổi đời” của hàng chục vạn người dân với cuộc sống tốt hơn và môi trường sống văn minh hơn.
Hiện điểm đầu của Ðại lộ Võ Văn Kiệt đã được kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối cũng sẽ được kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Kết nối này sẽ giúp giao thông từ các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long, Ðông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung, miền Bắc thông suốt khi đi qua khu vực này. Ðặc biệt, khi Sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng xong sẽ giúp giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và cả vùng Ðông Nam Bộ “hoà vào làm một”.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Vietnam cho rằng, đây là “con đường di sản” và đang vươn mình thành “con đường xương sống” của trục Ðông - Tây Thành phố, nhất là khi Đại lộ Võ Văn Kiệt nối vào Đại lộ Mai Chí Thọ, dài gần 22 km, đã chứng tỏ là một trục đường phát triển kinh tế - xã hội quan trọng bậc nhất khu vực phía Nam.
Cũng từ khi Đại lộ Võ Văn Kiệt hình thành, thị trường bất động sản trong khu vực bắt đầu thay đổi rõ nét. Với quỹ đất dọc tuyến đường này còn khá lớn, đa phần là các nhà xưởng của các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa, là điểm nhắm tới của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong và ngoài nước.
Chẳng hạn, Vietcomrel đã hoàn thành Dự án Viva Riverside với 2 tòa tháp cao 25 tầng, số lượng căn hộ lên tới hơn 600 căn vừa được bàn giao. Tập đoàn Novaland có ít nhất 4 dự án nằm tại trục đường này đã bàn giao cho khách hàng vào ở.
Tập đoàn Nam Long có Dự án Akari City tại quận Bình Tân, hay hệ thống 3 dự án chung cư cao tầng của Công ty 577 với hơn 5.000 căn hộ. Ngoài ra, Công ty Địa ốc Phú Long đang triển khai dự án chung cư tại đây, Công ty LDG Group cũng là cái tên có trong danh sách đang phát triển dự án bất động sản tại tuyến đường này… Tất cả đang tạo ra một bộ mặt hết sức hấp dẫn cho thị trường bất động sản dọc tuyến đại lộ này.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia địa ốc, nhiều dự án bất động sản nhanh chóng xuất hiện, từ quy hoạch đô thị đến các kiến trúc tòa nhà đã làm nhiều khu vực dọc theo đại lộ này trở nên khang trang hơn, trở thành “thỏi nam châm” hút dòng tiền. Nhiều nhà đầu tư và khách hàng về đây mua nhà để an cư hoặc đầu tư sinh lời.
“Biên độ tăng giá bất động sản tại tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt khoảng 10 - 25%/năm. Đây là mức tăng hấp dẫn đối với cả doanh nghiệp địa ốc, người dân và các nhà đầu tư. Lý do tăng giá vì ở tuyến đường này, người dân có thể di chuyển thẳng vào trung tâm quận 1, quận 3, quận 5, quận 4… bằng hệ thống đường xương cá”, ông Phạm Lâm nói.
Bên cạnh đó, từ năm 2010, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần thứ hai xác định mô hình phát triển TP.HCM theo hướng tập trung - đa cực, trong đó ý nghĩa của "Tập trung" là cả khu vực nội thành với bán kính 15 km và "Đa cực" là 4 cực phát triển của 4 trung tâm cấp thành phố tại các quận 7, quận 9, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Trong đó, với chiều dài 24 km qua địa bàn 8 quận huyện, Đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) được đánh giá là con đường "dài 300 năm", bởi nó chạy suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - TP.HCM. Với sự hài hòa trong thiết kế đô thị và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục Đại lộ Đông Tây được cho là đẹp và hiện đại nhất TP.HCM lúc mới đi vào hoạt động.
Đường mới - kỳ vọng mới của thị trường địa ốc
Vai trò trọng yếu của các tuyến đường giao thông như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt trong thời gian qua đã được khẳng định trong việc phát triển kinh tế của TP.HCM, nhất là đà đi lên của thị trường bất động sản. Điều này được chính Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận tại buổi xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 ngày 8/5 vừa qua.
Trong đó, ông Phong nhấn mạnh rằng, nếu TP.HCM không tiếp tục phát triển những dự án giao thông trọng điểm khác thì kinh tế Thành phố có nguy cơ đi xuống nghiêm trọng. Điều này gây bất lợi lớn cho sự phát triển lâu dài của TP.HCM. Đặc biệt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có yêu cầu thiết tha với lãnh đạo Thành phố rằng phải gấp rút hoàn thiện thêm những đại lộ kinh tế để có thể giúp doanh nghiệp thông thương hàng hóa tốt hơn.
Để đáp ứng yêu cầu này, Chủ tịch UBND TP.HCM đã kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng 55 dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM trong năm 2019 với mức đầu tư hàng tỷ USD.
Chẳng hạn, các dự án xây dựng tuyến đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyên - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long – Phan Xích Long (nối dài) - giao với đường điện biên phủ và đường Ngô Tất Tố - Kết thúc trước cầu Phú An). Dự án này có chiều dài 9,5 km, rộng 17,5 m với tổng vốn đầu tư 15.460 tỷ đồng/703 triệu USD.
Dự án xây dựng tuyến đường trên cao số 3 (từ tuyến số 2 tại Tô Hiến Thành - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Trục Bắc Nam - Nguyễn Văn Linh) tại các quận 5, quận 7, quận 10. Dự án có chiều dài 8,1 km. rộng 17,5m, tổng vốn đầu tư 14.756 tỷ đồng/671 triệu USD.
Dự án xây dựng tuyến metro số 2 - giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe Tây Ninh - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi) với tổng vốn đầu tư 18.321 tỷ đồng/833 triệu USD.
Dự án xây dựng cầu Cần Giờ tại huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ với tổng chiều dài toàn tuyến 5,8 km, tổng vốn đầu tư 5.904 tỷ đồng/268 triệu USD…
Lãnh đạo TP.HCM cho biết, các dự án này đều công khai, minh bạch trong việc lựa chọn chủ đầu tư cả trong và ngoài nước, miễn là đủ năng lực triển khai. Đồng thời, hình thức đầu tư cũng linh hoạt, đa dạng để sớm triển khai xây dựng, tạo đà cho sức bật phát triển của TP.HCM.
“Với hệ thống giao thông mới sẽ sớm được xây dựng, Thành phố mong muốn giải quyết được điểm nghẽn trong phát triển kinh tế hiện nay. Đó sẽ là đòn bẩy cho tất cả các ngành kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản phát triển mạnh hơn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thành Phong nói tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 vừa diễn ra.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com