Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2014: Thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 lần thứ 11 được tổ chức tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) từ ngày 7/5 đến 10/5, với sự tham gia của 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nguyên thủ, hoàng gia, đại sứ của gần 100 quốc gia và khoảng 10.000 Phật tử cùng khách thập phương.
Chùa Bái Đính trước ngày khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 Chùa Bái Đính trước ngày khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014

15 năm Đại lễ Vesak Liên hợp quốc

Đại lễ Phật đản là Đại lễ Tam hợp (bao gồm kỷ niệm Đức Phật đản sinh, Thành đạo và Niết bàn). Ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 54 đã chính thức công nhận Đại lễ Phật đản là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc và thời gian tổ chức khoảng tháng 5 Dương lịch. Đây là một trong các hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của Liên hợp quốc, nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại.

Tháng 5/2008, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội). Đại lễ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về đất nước, con người và đời sống tôn giáo Việt Nam.

Đúng dịp kỷ niệm 15 năm tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Đại lễ năm nay được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức quốc tế (ICDV) và sự giúp đỡ, bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.

Một đại lễ vì sự phát triển,hòa bình

Chủ đề của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”. Chủ đề do nước chủ nhà Việt Nam đề xuất, nhằm khẳng định tín đồ Phật giáo Việt Nam cũng như toàn thế giới mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho tất cả mọi người, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tập trung làm nổi bật chủ đề trên, Đại lễ sẽ có nhiều bài phát biểu của các nhân vật quan trọng, như phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế 2014 (Việt Nam), Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu; phát biểu của Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế (Thái Lan), Hòa thượng, GS-TS. Brahmapundit; Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; diễn văn chào mừng của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Chơn Thiện; phát biểu của lãnh đạo nước chủ nhà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon; Thông điệp của Tổng giám đốc UNESCO, Irina Bokova; Thông điệp của Tăng thống Sri Lanka; Thông điệp của Hòa thượng, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc; thuyết trình chính: Phật giáo góp phần thành tựu mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc của Hòa thượng, Phó Pháp chủ Thích Đức Nghiệp; Thông điệp của Quốc vương Campuchia Sihamoni; phát biểu của Thủ tướng Sri Lanka D.M. Jayaratne; phát biểu của PGS-TS Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam; thông điệp của lãnh tụ các giáo hội Phật giáo thế giới, như Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản, Lào…

Tại lễ bế mạc, sau Diễn văn bế mạc của Trưởng ban Tổ chức; phát biểu của Hòa thượng, GS-TS Brahmapundit, Chủ tịch ICDV, Hiệu trưởng Trường đại học Mahachulalongkorn, sẽ là bài phát biểu đặc biệt của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

Nhằm làm rõ thêm trách nhiệm của Phật giáo với những vấn đề nóng bỏng của thế giới, Đại lễ có 5 cuộc hội thảo khoa học: Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu - mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học. Kết thúc Đại lễ sẽ ra Tuyên bố chung Vesak 2014.

Đại lễ còn tổ chức trang trọng Nghi lễ tắm Phật tại không gian Lễ hội Điện Thích Ca; chương trình nghệ thuật giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam; giao lưu nghệ thuật quốc tế; lễ hội tâm linh, hội chợ văn hóa, liên hoan phim Phật giáo…

Trong nội dung hoạt động, Đại lễ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như phát quà từ thiện, trồng cây lưu niệm, tụng kinh Đại lễ cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới, tham quan Quần thể du lịch Tràng An. Cuối cùng là chương trình thắp nến cầu nguyện hòa bình tại Sân Điện Thích Ca.

Lễ khai mạc và bế mạc Đại lễ Vesak sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1 và VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam từ 8 giờ 30 đến 11 giờ ngày 8/5 và từ 15 giờ đến 16 giờ 30 ngày 10/05/2014.

Quần thể Tràng An - Chùa Bái Đính đón chào Đại lễ

Quần thể danh thắng Tràng An vinh dự được chọn là nơi diễn ra các hoạt động của Đại lễ. Quần thể danh thắng này là đại diện di sản của Việt Nam ứng cử di sản thế giới, với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và kiến tạo địa chất. Nơi đây được kỳ vọng trở thành một di sản thế giới hỗn hợp với cả 2 tiêu chí văn hóa và thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam và cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Trong Quần thể danh thắng Tràng An, có Chùa Bái Đính với 8 kỷ lục châu Á, khu vực và trong nước được xác lập, gồm: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Chuông đồng lớn nhất Việt Nam, Khu chùa rộng nhất Việt Nam, Chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, Chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam và Chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam.

Tại Đại lễ Phật đản thế giới 2008 tổ chức ở Việt Nam, các đại biểu tham dự đã làm lễ khánh thành giai đoạn I các hạng mục xây dựng, mở rộng Chùa Bái Đính mới. Năm 2010, Chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam.

Năm nay, Chùa Bái Đính vinh dự là địa điểm chính tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014. Sau một hơn một năm đầu tư, triển khai tích cực của tỉnh Ninh Bình và Doanh nghiệp Xuân Trường, trước ngày diễn ra Đại lễ, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, kiêm Trưởng ban Giáo dục tăng ni Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, chủ đề của Đại lễ Phật đản năm nay thể hiện rõ quan điểm nhập thế qua nhiều hoạt động như hội thảo, phát quà từ thiện, trồng cây... Đây chính là cốt cách của Phật giáo Việt Nam đã 2000 năm đồng hành cùng dân tộc trên nhiều lĩnh vực. Nét đặc thù của Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc lần này là một đại lễ cầu hòa bình cho thế giới, cho quốc thái dân an; thống nhất sự đoàn kết của các hệ giáo phái trong nước cũng như toàn thế giới.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 là sự kiện quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của đất nước Việt Nam trong hội nhập quốc tế, là cơ hội để giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam, phát triển tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái, góp phần vào sự phát triển toàn diện của Việt Nam.

Đây còn là cơ hội để UNESCO hiểu sâu thêm và quyết định công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới.

Lã Quý Hưng (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục