Đại hội Prosimex “vỡ trận”, cổ đông biểu tình

(ĐTCK) Không thỏa mãn với cách giải thích của HĐQT và Ban điều hành về các nội dung việc đầu tư xây dựng công trình tại số 349 Vũ Tông Phan, phân chia lợi nhuận... tại ĐHĐCĐ hôm qua (30/6), cổ đông CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu (Prosimex) đã giăng biểu ngữ phản đối và bỏ về.
Nhóm cổ đông giăng biểu ngữ phản đối tại ĐHCĐ của Prosimex và bỏ về Nhóm cổ đông giăng biểu ngữ phản đối tại ĐHCĐ của Prosimex và bỏ về

Thực tế, những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông (cũng là người lao động tại Prosimex), hiện đang nắm giữ 9,6% vốn và Ban lãnh đạo Công ty bắt đầu âm ỉ từ vài năm nay.

Hồi tháng 5/2016, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có loạt bài viết phản ánh về những lùm xùm tại Prosimex theo đơn thư tố cáo của nhóm cổ đông Công ty, đặc biệt là việc liên doanh với CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (VIDEC) đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ trên lô đất số 45, ngõ 35 Khương Hạ, nay là số 349 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo phản ánh của nhóm cổ đông, thực chất, Ban lãnh đạo Công ty đã bán tài sản là quyền sử dụng đất cho VIDEC, nhưng không rõ nguồn tiền đi đâu. Nhóm cổ đông cũng từng giăng biểu ngữ biểu tình đòi quyền lợi trước khu đất tại Khương Đình.

Đại hội diễn ra chậm gần nửa tiếng so với kế hoạch, không khí Đại hội đã “nóng” với nhiều vấn đề bức xúc.

Theo báo cáo hoạt động của HĐQT Prosimex, năm 2015, Công ty không triển khai mảng kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu, mà chỉ tập trung khai thác cho thuê kho tàng, nhà xưởng và phối hợp cùng đối tác liên danh làm các thủ tục pháp lý cho việc đầu tư Dự án Riverside tại khu Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Kết quả kinh doanh năm 2015, Công ty Prosimex lỗ 1,8 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, nợ phải trả của Công ty là 133,3 tỷ đồng; nợ phải thu là 152,3 tỷ đồng. Hàng tồn kho có 3,08 tỷ đồng; trong đó gạo là 2,9 tỷ đồng (gửi tại kho của CTCP Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư (Vilexim) từ năm 2012). Do Công ty làm ăn thua lỗ, HĐQT có tờ trình không trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận.

Trong tờ trình, Ban Kiểm soát kiến nghị ông Trần Quốc Phương (Tổng giám đốc) kiểm điểm về việc để tồn tại các khoản công nợ lớn.

Ông Lữ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2016, HĐQT tiếp tục chỉ đạo Ban điều hành và Ban thu hồi công nợ kiểm tra theo dõi, đôn đốc khách hàng thanh toán trong thời gian sớm nhất, đặc biệt với 5 khách hàng Trung Quốc. Với công nợ phải trả, HĐQT sẽ tiếp tục đàm phán với ngân hàng và khách hàng xin khoanh, giãn nợ; đồng thời huy động tối đa các nguồn để trả một phần nợ gốc cho ngân hàng.

Tại Đại hội, cổ đông đề nghị được làm rõ về 3 vấn đề chính là: công nợ, việc đầu tư xây dựng công trình tại số 349 Vũ Tông Phan (trụ sở cũ Công ty) và quyền lợi của cổ đông. Phần lớn cổ đông bức xúc cho rằng, họ không được công khai nội dung liên doanh, liên kết và quyền lợi của họ cũng không được xem xét. Cổ đông liên tục chất vấn về việc đầu tư liên doanh hay thực chất Công ty đã bán tài sản, nếu VIDEC chuyển tiền thì nguồn tiền hiện đang nằm ở đâu?

Ông Lữ Văn Sơn khẳng định, số tiền này được công bố trong báo cáo tài chính. Số tiền VIDEC đã chuyển sang nhằm trả nợ cho ngân hàng. Trước câu trả lời của ông Sơn, một cổ đông bức xúc: “Công ty có lợi thế về thương mại, đất đai, các anh khai thác hết tiềm năng, cổ đông không được hưởng quyền lợi là thế nào?”. Ông Sơn nói: “Không phải bất cứ tài sản nào bán đi cũng chia cổ tức. Quyền lợi của cổ đông được thể hiện bằng cổ tức, khi nào công ty có lãi thì chia”.

Nhiều cổ đông ngao ngán trước lời “hứa hẹn” của vị Chủ tịch HĐQT, bởi lẽ từ sau cổ phần hóa vào từ năm 2006, Prosimex liên tục thua lỗ, cổ đông chỉ được chia cổ tức duy nhất một lần.

Vấn đề thu hồi công nợ của Công ty và trách nhiệm của Tổng giám đốc Trần Quốc Phương không được làm rõ, khiến không khí Đại hội trở nên căng thẳng, náo loạn. Đỉnh điểm là Chủ tịch HĐQT có lời lẽ nặng nề, quát tháo các cổ đông và gọi bảo vệ vãn hồi trật tự. Trước thái độ của Ban chủ tọa Đại hội, các cổ đông đồng loạt đứng dậy, giăng biểu ngữ phản đối rồi bỏ ra ngoài.

Quyền lợi của cổ đông tại Prosimex vẫn đang bị bỏ ngỏ, còn mâu thuẫn nội tại Công ty cũng chưa biết ngày nào mới được giải quyết.           

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục