Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines (HVN): Vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) cho biết, đề án hỗ trợ Vietnam Airlines đang được hoàn tất để trình lên các cấp cao hơn Chính phủ quyết định sớm. 
Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines (HVN): Vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng

Theo đó, Tổng công ty sẽ vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.

Thông tin trên được ông Minh trao đổi với các cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông  thường niên 2020 diễn ra sáng 10/8 tại Hà Nội. Đại hội diễn ra với các cổ đông tham dự nắm giữ tỷ lệ có quyền biểu quyết tương ứng 95,04% tổng số cổ phần.

Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, các cổ đông phải đi qua buồng khử khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào đại hội, các ghế được giãn cách nửa mét và khuyến khích đeo khẩu trang.

Vietnam Airlines trình đại hội mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 2.517,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, hãng hàng không quốc gia đạt 24.808 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% và hoàn thành 61% kế hoạch năm, lỗ sau thuế 6.642 tỷ đồng.

Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc Dương Trí Thành cho biết, trước làn sóng Covid-19 thứ hai, thị trường hàng không nội địa phục hồi rất nhanh. Trong tháng 6 và 7, Vietnam Airlines đã mở thêm 18 đường bay mới, tuần 3 tháng 7 đã bay 500 chuyến nội địa/ngày, vượt 40% cùng kỳ 2019. Nhưng kể từ ngày 25/7 (sau ngày giãn cách Đà Nẵng), mỗi ngày Vietnam Airlines chỉ còn bay 109 chuyến, sụt giảm tương đương thời điểm tháng 5/2020.

Theo chia sẻ của ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cuối năm 2019, Tổng công ty có lượng tiền dự trữ trên tài khoảng đạt 4.000 tỷ đồng, Covid-19 đã ngốn nhanh chóng khoản tiền trên. Để duy trì dòng tiền hoạt động, Vietnam Airlines đã tranh thủ hạn mức tín dụng ngắn hạn, cuối tháng 6 vay hơn 4.000 tỷ đồng, tăng vay dài hạn từ 5.000 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng. Đồng thời, đàm phán với các chủ nợ, giãn hoãn tiến độ thanh toán các khoản vay trung dài hạn, dự kiến nửa cuối 2020 và 2021 khoảng 2.400 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại trong nước dự kiến giãn nợ 775 tỷ đồng cho Tổng công ty.

Vietnam Airlines phải để lại nguồn lợi nhuận chưa phân phối để giữ lại cho các năm sau, lợi nhuận các năm sau phải giữ lại để bù lỗ luỹ kế phát sinh năm nay và có thể phát sinh trong năm sau nếu dịch bệnh kéo dài.

“Trước đây chúng tôi đã dự báo nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì tháng 8 Vietnam Airlines đã cạn tiền, nhưng tháng 6, 7 thị trường nội địa phục hồi, đã giúp Tổng công ty có thêm hơn 1.700 tỷ đồng, có thể cầm cự đến hết tháng 8”, ông Hiền cho biết.

Trong dài hạn, Vietnam Airlines buộc phải triển khai tái cơ cấu đội tàu bay. Những máy bay trong kế hoạch thuê hay mua, Tổng công ty đã đàm phán giãn hoãn và cố gắng cái nào không cần thiết thì huỷ. Bán một số tàu bay để hiện đại hoá, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn tại các công ty con dể thu nguồn tiền về.

Nhận định về thời gian hồi phục của Vietnam Airlines, ông Thành chia sẻ, phụ thuộc vào đại dịch được kiểm soát. Trên thị trường quốc tế, IATA dự kiến đến tháng 7/2024 mới phục hồi, tức là kéo dài thêm 1 năm so với trước, Vietnam Airlines dự báo sang đầu năm 2022 có khả năng phục hồi, nhưng với những diễn biến như hiện nay, mốc thời gian này có lẽ phải đẩy lùi xa hơn.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục