Đại hội đồng cổ đông TPBank (TPB): Tăng vốn lên hơn 22.000 tỷ đồng, 3 gương mặt mới trong HĐQT và Ban Kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 26/4/2023, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán TPB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 11%, ra mắt các HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.
Đại hội đồng cổ đông TPBank (TPB): Tăng vốn lên hơn 22.000 tỷ đồng, 3 gương mặt mới trong HĐQT và Ban Kiểm soát

Tăng vốn thêm 39%

Năm 2022, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 7.828 tỷ đồng, tăng 30%, tổng tài sản tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 329.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nằm trong Top thấp nhất ở mức dưới 1%. TPBank có mức trích lập dự phòng thuộc Top 8/29 các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước.

Nhận định 2023 là một năm khó khăn với hoạt động ngân hàng, khi điều kiện nền kinh tế, thị trường tài chính có nhiều biến động, TPBank cho biết sẽ tập trung vào việc cơ cấu lại danh mục, tăng thu lãi đồng thời tìm cách giảm giá vốn đầu vào để cải thiện biên lãi thuần, tăng cường bán chéo sản phẩm, gia tăng thu nhập ngoài lãi.

Đại hội đồng cổ đông TPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt mức 8.700 tỷ đồng, tăng 11%, tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 6% lên 306.960 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,6% và tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp.

Chỉ tiêu nợ xấu và trích lập dự phòng của TPBank

Chỉ tiêu nợ xấu và trích lập dự phòng của TPBank

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ, nhận diện thị trường chung sẽ có nhiều khó khăn tới từ cả các yếu tố trong và ngoài nước, Ngân hàng đặt mục tiêu ở mức hợp lý để có thể tăng trưởng bền vững. Dự kiến tăng trưởng tín dụng vào khoảng 14% và có thể điều chỉnh thêm dựa trên cơ sở là Ngân hàng có nền tảng hoạt động tốt, chất lượng tín dụng tích cực.

Tại Đại hội, ngân hàng cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, tương đương tăng 39% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023.

Báo cáo tài chính quý I/2023 mới công bố cho thấy, tổng doanh thu của TPBank đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối trở thành điểm sáng với doanh thu đạt khoảng 150 tỷ đồng nhờ tận dụng tốt các cơ hội thị trường. Tổng thu nhập hoạt động quý này của TPBank đạt trên 3.600 tỷ đồng, riêng thu nhập lãi thuần từ dịch vụ đạt 696 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ 2022 nhờ sự đa dạng hóa dịch vụ cũng như sự tăng trưởng về quy mô hoạt động của nhà băng.

Một điểm nhấn được lãnh đạo TPBank đề cập là chiến lược tập trung phát triển ngân hàng số và các kết quả đạt được bước đầu. Theo tài liệu Đại hội, sau 15 năm hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn 2018 - 2023, TPBank đã trở thành ngân hàng số 1 về công nghệ số tại Việt Nam. Đây là nhà băng đầu tiên tập trung phát triển mô hình Ngân hàng tự động 24/7 TPBank LiveBank – cho phép thực hiện gần như đầy đủ các giao dịch cơ bản tại một chi nhánh.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu năm 2023 và thời gian tới, TPBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh đa dịch vụ, phát triển cơ sở khách hàng đa dạng, chất lượng dựa trên chiến lược số hóa toàn diện.

Năm 2022, TPBank đã chia cổ tức tỷ lệ 25% tiền mặt. Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới việc có duy trì chính sách chia cổ tức như vậy trong thời gian tới hay không, ông Đỗ Minh Phú cho biết, các năm kế tiếp, nếu hoạt động kinh doanh vẫn thuận lợi thì sẽ tiếp tục dành phần cho cổ đông bằng tiền mặt và cổ phiếu, tỷ lệ căn cứ vào tình hình cụ thể, tuy nhiên chia cổ tức sẽ đáng kể.

Trả lời thêm câu hỏi của cổ đông liên quan tới tờ trình mua lại công ty con có hoạt động quản lý quỹ và quá trình tham gia cơ cấu Công ty Tài chính cổ phần Handico (HAFIC) thành công ty con, ông Phú cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với HAFIC để hỗ trợ công ty tài chính tiêu dùng này theo hướng tự hỗ trợ tự phục hồi. Nếu thành công thì có thể có thêm 1 công ty tài chính tiêu dùng là công ty con. Thêm vào đó, việc mua lại công ty có hoạt động quản lý quỹ, cùng với việc đang góp vốn tại công ty chứng khoán (sở hữu dưới 11%), từ đó giúp hoàn thành mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính tư nhân hàng đầu”.

3 gương mặt mới trong HĐQT và Ban Kiểm soát

Một trong những nội dung quan trọng khác của Đại hội là bầu các thành viên vào HĐQT cho nhiệm kỳ mới 2023 – 2028. Theo đó HĐQT mới bao gồm 6 thành viên là ông Đỗ Minh Phú, ông Đỗ Anh Tú, ông Lê Quang Tiến, ông Shuzo Shikata, bà Nguyễn Thị Mai Sương và bà Võ Bích Hà (cơ cấu gồm 5 thành viên HĐQT và 1 thành viên HĐQT độc lập ).

Đại hội cũng bầu 3 thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Thái Duy Nghĩa và bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (gồm 1 trưởng Ban kiểm soát và 2 thành viên chuyên trách).

HĐQT nhiệm kỳ mới ra mắt cổ đông.

HĐQT nhiệm kỳ mới ra mắt cổ đông.

Các gương mặt nhân sự mới tham gia vào HĐQT, Ban kiểm soát của TPBank nhiệm kỳ 2023 - 2028 bao gồm: Bà Nguyễn Thị Mai Sương từng có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng. Bà Sương từng là Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội (2009-2016) và Trưởng ban Hiệp Hội Ngân hàng (2016-2022).

Bà Võ Bích Hà có 20 năm làm việc tại BIDV, từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát của BIDV.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Bà từng là Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các TCTD nước ngoài, thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011-2019. Từ 2019-2022, bà Hương là ủy viên HĐQT, đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục