Quỹ dự phòng rủi ro hơn 8.200 tỷ đồng, chưa thể chia cổ tức
Tại Đại hội, HĐQT SCB trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 273 tỷ đồng, tăng 19,48% so với năm 2018. Trong đó, riêng Ngân hàng mẹ dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 250 tỷ đồng.
Tỷ lệ ROA (lợi nhuận sau thuế/tổng Tài sản bình quân) và ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân) mục tiêu đạt 0,04% và 1,11%.
Tổng tài sản dự kiến đạt 558.015 tỷ đồng, tăng 9,64% so với năm 2018. Cho vay khách hàng đạt 341.138 tỷ đồng, tăng 13%; huy động thị trường 1 tăng 13,15% đạt 473.338 tỷ đồng.
Theo SCB, sở dĩ Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức phù hợp trong năm nay, do SCB đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, mọi nguồn lực tập trung cho xử lý nợ xấu.
Vì thế, lợi nhuận chủ yếu được SCB trích lập dự phòng rủi ro. Tính đến nay, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã lên đến con số hơn 8.200 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2017.
Trả lời cổ đông về thời gian dừng trích lập dự phòng rủi ro và chia cổ tức, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, Ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vì vậy mọi nguồn lực tập trung cho việc xử lý nợ xấu.
Ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận làm ra chủ yếu dành để trích lập. Đây được xem là "lương khô" của SCB. Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, nguồn tài chính tích tụ nói trên sẽ là "của để dành" rất lớn cho cổ đông SCB.
Mặt khác, theo quy định hiện nay của NHNN, các ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu không được chia cổ tức.
"Hiện nguồn lợi nhuận để lại của SCB vào khoảng 670 tỷ đồng và khi được NHNN chấp thuận, nguồn lợi nhuận này sẽ được chia cho cổ đông. Cùng với khoản dự phòng lớn trên 8.200 tỷ đồng sẽ là giá trị lớn cho cổ đông của Ngân hàng", ông Văn cho biết.
Trước câu hỏi của cổ đông về việc SCB trả lãi suất huy động cao, ông Văn cho biết, sở dĩ SCB huy động lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường là để thu hút được lượng khách hàng tiềm năng và lớn. Đây được xem là nguồn tài nguyên lớn của SCB. Quan trọng là Ngân hàng sẽ khai thác nguồn tài nguyên này.
Trong chiến lược đến năm 2020, số lượng khách hàng cao cấp sẽ đóng góp đến 60% tổng thu nhập của SCB. Vì thế, việc trả lãi suất huy động cao hiện nay cũng có mục đích lớn của Ngân hàng.
Đi kèm với lãi suất, SCB cũng nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng.
Về thù lao HĐQT và Ban kiểm soát năm 2018 của SCB là 13 tỷ đồng và năm 2019, theo tờ trình ở mức tương đương, lãnh đạo SCB cho biết, nếu so với công sức mà các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát bỏ ra cũng như việc họ phải đương đầu với những rủi ro trong công việc thì không thể sánh bằng.
Tăng vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng
Tại ĐHCĐ, SCB đã trình cổ đông tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ từ 15.232 tỷ đồng lên 18.232 tỷ đồng thông qua phương thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, SCB dự kiến chào bán 300 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sở hữu từ 0,5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tổng lượng nhà đầu tư trong đợt chào bán tối đa 99 nhà đầu tư. Số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Thời gian dự kiến phát hành trong quý II/2019 hoặc quý III/2019 sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Ngoài ra, HĐQT SCB cũng trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để thu hút thêm vốn ngoại, nâng cao năng lực tài chính.
Theo SCB, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có uy tín, có năng lực tài chính và khả năng hỗ trợ SCB trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành và áp dụng công nghệ hiện đại, có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của SCB, đáp ứng được các tiêu chí cụ thể do SCB quy định, các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tại Đại hội, SCB cũng trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2017 - 2022) với ông Chiêm Minh Dũng và ông Tạ Chiêu Trung, miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát với bà Phạm Thu Phong, bà Võ Thị Mười.
Đồng thời, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT là Nguyễn Phương Hồng và Mai Thị Thanh Thủy; 2 thành viên Ban kiểm soát là Nguyễn Mạnh Hải và Lưu Quốc Thắng.
Các tờ trình của HĐQT đã được Đại hội thông qua.
Năm 2018, SCB ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở hầu hết các mảng kinh doanh chủ chốt, trong đó mạnh nhất là dịch vụ khi lãi thuần tăng gần gấp đôi so với năm 2017.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của SCB, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng cả năm qua đạt 2.829 tỷ đồng, tăng 56,4% so với 2017.
Các khoản thu nhập từ hoạt động phi tín dụng tăng ấn tượng, nhất là lãi từ dịch vụ tăng gần 92% đạt 886 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, các mảng thu phí chính góp phần đẩy lĩnh vực dịch vụ đi lên là bảo hiểm, thẻ, ngân hàng điện tử và thanh toán quốc tế.
Hoạt động khác trong khi đó ghi nhận khoản lãi tăng gần 80% đạt 1.868 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng trước dự phòng rủi ro đạt 2.357 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần con số đạt được trong năm 2017.
Tuy nhiên, theo giải thích của ngân hàng, năm 2018 SCB đã cân đối nguồn lực để trích lập 2.162 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 196 tỷ đồng, dẫu thấp song vẫn ghi nhận mức tăng 45% so với năm 2017.
Hiện SCB là ngân hàng nằm trong top 5 về quy mô tổng tài sản và dẫn đầu nhóm cổ phần với hơn 508 nghìn tỷ đồng trên thị trường. Năm 2018 ngân hàng cũng đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 15.200 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2018, dư nợ tín dụng của nhà băng này đạt 301.892 tỷ đồng, tăng thêm gần 35.400 tỷ đồng tương đương 13,3% so với cuối năm 2017. Bên cạnh việc đẩy mạnh tín dụng, ngân hàng cũng kiểm soát chất lượng các khoản nợ, hiện nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,61% và nợ xấu là 0,42%.
Hoạt động huy động vốn tăng mạnh hơn với 18,4% trong năm vừa qua, đạt hơn 419 nghìn tỷ đồng. So với năm 2017, số huy động vốn tăng thêm là hơn 65.200 tỷ đồng.