Kết quả kinh doanh năm 2018 vừa qua và tình hình xử lý nợ xấu tại SCB hiện nay như thế nào, thưa ông?
Tuy SCB đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng kết quả kinh doanh năm 2018 của chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch đề ra tại Đại hội đồng cổ đông 2017. Các chỉ tiêu kinh doanh của SCB khả quan, nhất là vấn đề xử lý nợ xấu; tăng dự phòng và tất toán trái phiếu VAMC.
Kể từ khi bắt đầu tái cơ cấu đến nay, SCB đã xử lý được một khối lượng nợ xấu khá lớn. Riêng năm 2018, SCB đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, do nợ xấu từ trước hợp nhất để lại khá nhiều nên lượng trái phiếu VAMC SCB đang nắm giữ vẫn còn trên con số 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, trong năm 2019 này, chúng tôi tiếp tục nỗ lực xử lý từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng.
SCB trích dự phòng xử lý nợ xấu và quỹ dự phòng đến thời điểm này ra sao?
Trong những năm qua, lợi nhuận chủ yếu được SCB trích lập dự phòng rủi ro. Tính đến nay, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã lên đến con số hơn 8.000 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2017. Các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn thành việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của Ngân hàng. Khoản dự phòng nói trên có thể xem là “của để dành” cho SCB, là tích tụ tài chính tốt cho Ngân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu.
Năm qua, SCB đã giảm được bao nhiêu lãi dự thu?
Trong năm qua, SCB đã giảm lãi dự thu cho khách hàng khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Đây là các khoản lãi dự thu liên quan đến các khoản nợ cũ trước hợp nhất (SCB là ngân hàng hợp nhất từ 3 ngân hàng SCB, TinNghia Bank, Ficombank - PV) để hỗ trợ và giải quyết khó khăn cho khách hàng. Vì thế, NIM (biên lãi ròng) của SCB thời gian qua giảm, đồng thời, với việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro đảm bảo hoạt động nên lợi nhuận chỉ ở mức phù hợp.
Ông có thể cho biết thêm về cơ cấu thu nhập của SCB? Nguồn thu ngoài lãi đóng góp ra sao vào tổng thu nhập của Ngân hàng?
Xét về cơ cấu tổng thu nhập thì năm qua, SCB đã có sự chuyển dịch rất rõ nét. Trong đó, nguồn thu ngoài lãi tăng khá cao, chiếm hơn 30% trong tổng thu nhập của Ngân hàng; trong đó kinh doanh tiền tệ đã vượt con số 1.300 tỷ đồng.
Được biết, SCB đẩy mạnh bán chéo sản phẩm, nhất là với các gói sản phẩm bảo hiểm. Vậy nguồn thu từ bảo hiểm đóng góp ra sao vào nguồn thu ngoài lãi của Ngân hàng?
Việc đẩy mạnh bán chéo sản phẩm bảo hiểm đã đem lại nguồn thu ngoài lãi tích cực cho SCB. Nguồn thu này tăng đến 80% năm qua và mục tiêu đặt ra cho năm nay cũng không thấp hơn. Cụ thể, năm 2018, nguồn thu từ phí bảo hiểm chiếm khoảng 10% trong tổng số nguồn thu ngoài lãi của SCB, tương đương khoảng 130 tỷ đồng; doanh số bảo hiểm (liên kết với đối tác đạt khoảng 320 tỷ đồng), tăng gấp đôi so với năm 2017. Riêng Bảo hiểm Bảo Long, năm 2018 là năm đầu tiên từ khi thành lập đến nay, đạt doanh số trên 1.000 tỷ đồng.
Mặc dù đang tái cơ cấu, xử lý khối nợ xấu lớn, lợi thế nào giúp SCB có cơ cấu nguồn thu từ mảng dịch vụ đóng góp tích cực vào tổng nguồn thu, lợi nhuận?
Lợi thế của SCB chính là chất lượng dịch vụ, các chính sách ưu đãi hướng về khách hàng. Vì vậy, dù đang trong giai đoạn tái cơ cấu, chúng tôi vẫn phát triển được một lượng khách hàng lớn. Đó là nền tảng tốt để SCB khai thác và đẩy mạnh tăng trưởng trong tương lai. Đối với các tổ chức tín dụng khác có thể đã có lượng khách hàng nhất định, nhưng phần nào đã khai thác nên để phát triển và khai thác một cách tối đa đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.
Trong khi đó, SCB có nền tảng khách hàng mới vững chắc và chúng tôi chưa khai thác hết tiềm năng nên sẽ tạo điều kiện, môi trường cho SCB trong việc phát triển dịch vụ, sản phẩm. Đặc biệt là với sự đầu tư mạnh vào công nghệ, SCB sẽ có điều kiện tốt nhất để phục vụ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Việc đẩy mạnh bán chéo sản phẩm bảo hiểm đã đem lại nguồn thu ngoài lãi tích cực cho SCB. Bên cạnh đó, dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán mobile banking... và các sản phẩm cao cấp hướng đến phân khúc khách hàng VIP cũng đóng góp tích cực vào tổng nguồn thu. Định hướng của SCB là đến năm 2020, số lượng khách hàng cấp cao sẽ đóng góp 60% vào tổng doanh thu của SCB.
SCB đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu và dự kiến sẽ kết thúc vào năm sau, nhưng liệu Ngân hàng có đẩy nhanh hơn được lộ trình này?
Trong thời gian qua, sau đợt thanh tra pháp nhân SCB, Chính phủ và NHNN có chủ trương cho phép SCB xây dựng phương án tái cơ cấu mới cho giai đoạn tiếp theo. Đây được xem là phương án tái cơ cấu chủ động hỗ trợ thêm một số cơ chế mới, giúp SCB vững chắc hơn sau quá trình tái cơ cấu, phát triển một cách lành mạnh và tích cực hơn.
Nói vậy, SCB đã xây dựng xong phương án tái cơ cấu chủ động như trên?
Chủ trương trên đã có từ cuối năm 2018, SCB đã xây dựng phương án tái cơ cấu chủ động trình lên NHNN, Chính phủ. Sở dĩ gọi là phương án tái cơ cấu chủ động, tức phải đưa ra các phương án để chủ động xử lý các tình huống của ngân hàng một cách hiệu quả, thay vì xảy ra các phương án xấu mới bắt đầu xử lý.
Thực tế, áp lực trong quá trình tái cơ cấu rất lớn, nên với phương án trên sẽ từng bước giúp SCB có thêm điều kiện xử lý khó khăn cho cả Ngân hàng cũng như phía khách hàng. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề lãi dự thu sẽ được giải quyết dứt điểm. Vì trong phương án tái cơ cấu này có những dự án là tài sản đảm bảo mà phía SCB cũng muốn giải quyết dứt điểm trong năm 2019.
Chúng tôi muốn đề xuất với NHNN, Chính phủ là không thu lãi dự thu các dự án vẫn còn dở dang. Thứ hai, đối với lãi dự thu phát sinh, SCB xin lộ trình xử lý (phân bổ lại, miễn giảm, thu hồi...), nhưng phải có lộ trình rất kỷ luật để làm sao đến năm 2025 không còn lãi dự thu. Chúng tôi kỳ vọng phương án này sớm được thông qua để triển khai ngay trong quý này.
SCB có kế hoạch tăng thêm vốn trong năm nay hay không, thưa ông?
Những năm qua, SCB đều tăng vốn để tăng năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh. Trong năm nay, SCB tiếp tục có kế hoạch tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của SCB và đón đầu quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN về việc áp chuẩn quốc tế Basel II.
2Số vốn phát hành thêm chủ yếu dành cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ của SCB dự kiến đến cuối năm nay sẽ lên khoảng gần 20.000 tỷ đồng, và trở thành một trong những ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hiện nay.
Việc thu hút thêm vốn ngoại cũng như niêm yết có gì mới trong năm nay?
Chúng tôi cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn cần phải suy tính xem làm thế nào để đem lại lợi ích cho cổ đông. Vì thế, SCB không nóng vội trong chuyện này mà trước mắt phải làm thế nào để tái cơ cấu thành công, tăng trưởng bền vững để khi lên sàn, có thể đem lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông.
Các cổ đông của SCB cũng đã đồng thuận và có tầm nhìn dài hạn về vấn đề này. Đối với việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, chủ trương của SCB là phải tìm được đối tác chiến lược phù hợp với quá trình phát triển của Ngân hàng và kế hoạch này cũng sẽ được triển khai sau quá trình tái cơ cấu kết thúc.
Mục tiêu SCB đưa ra năm 2019 ra sao và diễn biến của thị trường năm nay có ảnh hưởng tích cực lên hoạt động của ngành ngân hàng nói chung?
Diễn biến của kinh tế toàn cầu đang đưa Việt Nam đến trước những cơ hội lịch sử và sẽ lan tỏa cho cả nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng. Chúng ta thấy rất rõ những bất ổn về chính trị quốc tế, chiến tranh thương mại, dịch chuyển nhà máy, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, các ngành dịch vụ phát triển… sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho ngành ngân hàng phát triển.
Kể cả khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra ở mức 14% thì với bản thân một nền kinh tế năng động như Việt Nam chắc chắn sẽ tìm ra hướng đi cho mình, chẳng hạn như việc các ngân hàng sẽ đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, thu ngoài lãi...
Về phía SCB, chúng tôi đang xây dựng phương án tái cơ cấu mới nên vẫn kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, do đó kế hoạch kinh doanh 2019 cũng phải được xây dựng ở mức phù hợp.
Trải qua hai giai đoạn tái cấu trúc, bây giờ chính là thời điểm SCB tự tin vươn ra biển lớn?
Về định hướng sắp tới cũng như tương lai của SCB, chúng tôi kỳ vọng SCB là một ngân hàng lớn, vững mạnh. Với sự nỗ lực không ngừng, chúng tôi đang từng bước xây dựng được hệ khách hàng vững chắc cho mình để tạo sự đột phá sau quá trình tái cơ cấu. Đó là chưa kể sau quá trình tái cơ cấu, SCB sẽ thu hút thêm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đưa cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán...
Như vậy cũng có nghĩa là cổ đông nên kỳ vọng vào SCB sau quá trình tái cấu trúc?
Điều đó rất hợp lý. Thực tế thị trường đã cho thấy, có những ngân hàng, trong đó có cả những ngân hàng kinh doanh hiệu quả, nhưng nhiều năm liền không chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, chính họ đã làm nên cơn “địa chấn” trên thị trường khi chia cổ tức “khủng” lên gần 200% cho cổ đông trước niêm yết vừa qua.
Vì thế, với những cổ đông đã gắn bó với SCB lâu năm cũng đã hiểu được điều đó khi nhìn thấy SCB đang tốt lên mỗi ngày và có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong hoạt động. Hay nói cách khác, nếu muốn hái trái ngọt thì cần có thời gian chăm sóc cây. Một khi cây phát triển tốt thì sẽ có nhiều trái, vì vậy, cổ đông có thể tin tưởng vào sự bứt phá của SCB sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu.