Công nợ với EVN
Các khoản nợ phải thu của PV Power chủ yếu là khoản phải thu tiền điện của EVN/EPTC. Tại thời điểm cuối năm 2019, khoản phải thu này lên tới hơn 7.097 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu quá hạn phải thực hiện trích lập dự phòng là 1.778 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản phải thu quá hạn của Nhà máy điện Cà Mau bị EVN/EPTC đơn phương giữ lại từ tháng 2/2018 đến nay là không phù hợp với quy định của hợp đồng mua bán điện đã ký kết và đang có hiệu lực pháp lý.
PV Power đã có nhiều văn bản báo cáo lên Bộ Công thương, Uỷ ban Quản lý vốn, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về vấn đề thu hồi nợ từ EVN/EPTC. Uỷ ban Quản lý vốn, Bộ Công thương đã có công văn và thông báo khẳng định Hợp đồng mua bán điện hiện hữu giữa EVN và PV Power vẫn đang có hiệu lực pháp lý và yêu cầu EVN thực hiện đúng các cam kết. Tuy nhiên đến nay, EVN chưa chấp thuận trả tiền.
Về vấn đề này, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch PV Power cho biết: “Trong thời gian sớm nhất, có thể là trong tháng 6, lãnh đạo Bộ Công thương có thể xem xét quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ”.
Tình hình các dự án và nhà máy
Một trong những dự án trọng điểm là dự án Thuỷ điện Luang Prabang nhận được sự chú ý lớn. Ngày 1/10/2019, Uỷ ban sông Mê Kông (VNMC) đã công bố thông tin Chính phủ Lào đề xuất phát triển dự án Thuỷ điện Luang Prabang. Ban thư ký đã nghiên cứu và gửi hồ sơ đề xuất của Lào đến 3 nước thành viên Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Thời gian thực hiện thủ tục thông báo, tham vấn trước và thảo luận dự kiến trong 6 tháng.
Dự án Thủy điện Luang Prabang quy mô 2 tỷ USD với tổng công suất khoảng 1.400MW được dự kiến có thể bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2025-2026. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn bị trì hoãn do lo ngại về tác động đối với môi trường và việc phải xây thêm đường truyền 500kV để đưa điện từ nhà máy đến tỉnh Ninh Bình của Việt Nam sẽ làm tăng chi phí đầu tư.
Chính vì vậy, thời gian để dự án Thủy điện Luang Prabang hoàn thành và đi vào hoạt động có thể mất nhiều thời gian hơn, với một số dự báo lên đến 6-8 năm hoặc thậm chí là 10 năm.
Trong khi đó, ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PV Power cho biết, đây là dự án rất lớn. Chính phủ cho phép PV Power tham gia từ 10 - 12%. PVPower sẽ sử dụng phương án thế chấp năng lực tại Dự án để vay vốn, không sử dụng nguồn lực từ Công ty.
Với dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, PVPower đã ký hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) với CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) và hợp đồng thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án với CTCP Tư vấn xây dựng điện 1. Cả 2 dự án này đều sử dụng nhiên liệu chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), công suất mỗi nhà máy vào khoảng 650-880MW, tổng mức đầu tư xấp xỉ 1,4 tỷ USD.
POW đang triển khai làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhằm thu xếp vốn cho dự . Trong đó vốn chủ sở hữu/vốn vay là 25%/75%. Dự kiến vận hành thương mại Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào quý IV/2023 và Nhơn Trạch 4 vào quý II/2024.
Theo ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PV Power, một trong những việc cấp thiết hiện tại là góp vốn thành lập mới Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí (PV Power REC).
Về vấn đề này, các cổ đông cho rằng, PV Power đã bỏ qua thời cơ đối với đầu tư năng lượng mặt trời. Hiện tại, một trong những lĩnh vực thu hút là điện gió, nhưng Công ty vẫn chưa xác định được kế hoạch kịp thời, nhiều khả năng tiếp tục bỏ lỡ thời cơ.
Từ góc nhìn của mình, ông Linh cho biết, đội ngũ PV Power có những đánh giá riêng về tiềm năng và khả năng hoạt động tại lĩnh vực năng lượng tái tạo. Công ty có đánh giá kỹ càng về môi trường hoạt động, cơ chế pháp lý và sẽ tiến hành khi xác định được khả năng hoạt động hiệu quả; cân nhắc để sắp xếp các thứ tự ưu tiên.G70ơ’
Tìm giải pháp nguồn khí
Ông Linh cho biết, giải pháp duy nhất để nhà máy không phải dừng hoạt động là mua khí từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là lý do PV Power đang tính toán để mua khí giải quyết nhu cầu ngắn hạn, xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng cung cấp khí… để đảm bảo nguồn khí trong dài hạn.
Trước mặt, HĐQT PV Power đã trình kế hoạch Bổ sung Hợp đồng mua bán khí (GSA) của Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 về mua khí từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt.
Năm 2019, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty là 35.948 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ là 25.371 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 3.165 tỷ đồng, đạt 110% kể hoạch.
Năm 2020, POW lên kế hoạch doanh thu 35,448 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 2,043 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,4% và 28,4% so với thực hiện năm 2019.
Sau 5 tháng đầu năm, POW ước tính doanh thu đạt 12.969,2 tỷ đồng, thực hiện 38,4% kế hoạch năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất tới từ nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 & 2.