Đại hội đồng cổ đông PAN: Thực hiện “lời hứa” cổ tức tiền mặt, chưa nhìn thấy cơ hội M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc quý I/2024, Tập đoàn PAN đã thực hiện được 23% kế hoạch kinh doanh và 19% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ.
Đại hội đồng cổ đông PAN: Thực hiện “lời hứa” cổ tức tiền mặt, chưa nhìn thấy cơ hội M&A

Ngày 26/4, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024.

Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2023, bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN cho biết, trong năm 2023, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn PAN đạt 13.200 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm trước, hoàn thành 90% kế hoạch.

Doanh thu giảm nhẹ và không đạt kế hoạch chủ yếu do sự suy giảm của lĩnh vực thuỷ sản (giảm 11%) và thực phẩm đóng gói (giảm 8%) do tác động của diễn biến thị trường chung trong nước và xuất khẩu.

Mức giảm này được bù đắp bởi tăng trưởng doanh thu của lĩnh vực nông nghiệp (tăng 9%) với động lực chính đến từ mảng kinh doanh nông dược và gạo đóng gói, trong bối cảnh giá lúa tăng cao.

Lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 817 tỷ đồng, đạt 97% so với kế hoạch năm.

Nhận định về năm 2024, Ban lãnh đạo PAN cho rằng, tình hình còn nhiều thử thách, do đó đặt kế hoạch ở mức thận trọng: Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức tương ứng 12% và 10%. Kế hoạch này được đề ra trong bối cảnh năm 2024 được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn với nền kinh tế toàn cầu chưa có nhiều tín hiệu phục hồi rõ ràng và những biến số bất định về chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát và bất ổn địa chính trị trên toàn cầu.

Các mục tiêu kinh doanh 2024

Các mục tiêu kinh doanh 2024

Cụ thể hơn, kế hoạch tăng trưởng doanh thu tương đối tích cực ở một số công ty trong mảng nông nghiệp, tăng trưởng 16% với động lực chủ yếu từ mảng gạo thương hiệu và mảng nông dược.

Mảng thực phẩm kỳ vọng tăng trưởng 17% với sự hồi phục của thị trường cũng như tín hiệu tích cực từ các sản phẩm mới, ở thị trường xuất khẩu.

Mảng thủy sản đặt kế hoạch tăng nhẹ 5% so với năm ngoái do thị trường vẫn chưa thật sự tích cực, giá bán vẫn ở mức thấp.

Tại ĐHCĐ 2024, Tập đoàn cũng công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với những con số khả quan.

Cụ thể, doanh thu thuần quý I đạt 3.462 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ, nhờ tất cả mảng kinh doanh của Tập đoàn đều tăng trưởng 30-45%. Trong đó, doanh thu xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng 42%, tăng 45% so với quý I/2023 và mảng nông dược chiếm tỷ trọng 28%, tăng trưởng 40%.

Biên lợi nhuận gộp hợp nhất tăng thêm 0,9 điểm phần trăm, lên 18%; lợi nhuận trước thuế đạt 201 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, tăng 58%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 84 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với quý I/2023.

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của PAN

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của PAN

Kết thúc quý I, Tập đoàn PAN đã thực hiện được 23% kế hoạch kinh doanh và 19% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ. Dù không phải mùa cao điểm sản xuất, Tập đoàn đã có khởi đầu thuận lợi trong quý I.

Tập đoàn PAN dự định sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt, ở mức 5% mệnh giá (500 đồng/cổ phiếu) và sẽ nỗ lực duy trì tối thiểu mức này trong các năm tiếp theo. Mục tiêu của PAN là sẽ duy trì chính sách cổ tức tiền mặt và tăng dần tỷ lệ qua từng năm.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn PAN cho biết, hai vấn đề mà Công ty chưa làm được năm 2022 là giá cổ phiếu xuống và chưa trả cổ tức bằng tiền, bởi Công ty cần dành nguồn lực cho các hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Duy Hưng hứa với cổ đông sang năm 2023 sẽ có chia cổ tức.

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới những khó khăn của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của việc Campuchia xây kênh đào ảnh hưởng tới nguồn nước tại đồng bằng sông Cửu Long, đại diện ban lãnh đạo PAN cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long: hạn hạn, ngập mặn, thiếu nước…

"Việc Campuchia xây kênh đào, ảnh hưởng tới nguồn nước hay thiên tai là những yếu tố không cách nào thay đổi. Doanh nghiệp phải có giải pháp xa hơn để “thuận thiên”. Chúng tôi đang có những bộ giống chịu được mặn, bộ giống chịu ngập lụt..., đó là cách để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có sự chuẩn bị và có khả năng R&D các sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu", bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed Group - mã chứng khoán NSC), thành viên PAN Group cho biết.

Một vấn đề khác được cổ đông quan tâm là về chi phí lãi vay của Tập đoàn và các giải pháp để ổn định tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết: “Với một tập đoàn có điểm tín nhiệm cao như PAN, đảm bảo được dòng tiền và lợi nhuận thì đây mới là tiêu chí đo lường sức khoẻ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp này không sống, không vay được thì doanh nghiệp nào làm được? Chúng ta phải nhìn vào đầu ra của khoản vay, làm được gì, hiệu quả ra sao, có thu hồi vốn được không...".

Chia sẻ thêm về câu chuyện tiến hành M&A và dự kiến thực hiện M&A 3-5 năm tới, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, trước khi thực hiện M&A thì cần hỏi về mục tiêu. Trước đây, PAN chi tiền để xây dựng một nền tảng nhằm đầu tư vào nông nghiệp.

"Đó là cách làm mà đến nay cho thấy chúng ta đang đi đúng. Chúng ta cũng chỉ làm 3 mảng: nông nghiệp, thuỷ sản và thực phẩm đóng gói. Nếu có doanh nghiệp phù hợp tiêu chí thì có thể quan tâm, nhưng từ đó đến hợp nhất còn nhiều yếu tố. Đến giờ phút này thì tôi chưa nhìn thấy doanh nghiệp phù hợp. Mục tiêu cuối cùng vẫn là tăng hiệu quả, hoà nhập với thương hiệu, làm cho tài chính và hoạt động của PAN trở nên mạnh mẽ hơn", ông Hưng cho biết.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục